Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (8)

Thứ năm, 11/07/2013 09:10

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (7) 

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (6)

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (5)

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (4)

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (3) 

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (2)

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại

 

* Kỳ cuối: Nhân tố Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng

Ký sự nhân vật
 


Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)

* Huân chương Sao Vàng

* Huân chương Hồ Chí Minh

* Huân chương Quân công hạng Nhất

* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
 

(Cadn.com.vn) - Kỳ trước, chúng tôi đã dẫn lời ông Mười Thắng, nguyên Cụm trưởng Cụm Điệp báo A10 về hoạt động của Cụm trong việc tạo ra làn sóng ngầm dưới chân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tác động để Dương Văn Minh lên nắm chính quyền Sài Gòn sau đó ông ta đưa ra những quyết định có lợi. Câu chuyện này càng sáng tỏ qua lời kể của ông Mười Hương.

Có lần, một vị tướng hỏi ông Mười Hương: “Sao anh lại đề cao Dương Văn Minh thế?”. Ông Mười Hương đáp: “Anh có đồng ý, nếu chúng ta đánh cũng thắng thôi, chắc chắn rồi. Các anh ở đây 5 quân đoàn, mà quân đội miền Nam thì nó cũng tan rã rồi. Thế nhưng, liệu có thể kết thúc chiến tranh nhanh gọn như thế được không?”.

Thực ra, nhân tố Dương Văn Minh, một người theo Phật giáo, đã được đề cập khá sớm ở căn cứ T.Ư Cục miền Nam.

Ông Mười Hương kể: “Trước khi ra Bắc, ông Linh (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc bấy giờ là Bí thư T.Ư Cục miền Nam  – N.L) nói với tôi: “Cậu ở trong này, tôi giao lại cái này cho đúng với nghề nghiệp của cậu. Trung ương có giao cho tôi cái binh vận. Nhưng binh vận không được đâu. Không thể được. Lúc bấy giờ đang hội nghị Paris. Ông Linh trao đổi với tôi nên dùng lực lượng 3. Tôi bảo lực lượng 3 mà dùng mấy ông “liễng” thôi thì mấy ông ấy chỉ nói dóc không thôi, lúc nào cần giấy tờ thì ông ấy ký thôi. Ông Linh ông ấy bảo: “Anh làm thế nào, thằng Mỹ bây giờ chuyện nó rút thì chắc chắn rồi”. Tôi hỏi thằng Ẩn (nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn – N.L). Thằng Ẩn nó bảo lực lượng 3 mạnh lắm trong Quốc hội”.

Tại thời điểm các cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Văn Linh và ông Mười Hương, giữa ông Mười Hương với Phạm Xuân Ẩn diễn ra thì chế độ VNCH vẫn trong tay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, theo đường lối cứng rắn, ra sức mặc cả tới cùng với Mỹ để khỏi phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, nghĩa là không muốn kết thúc chiến tranh. Về phía cách mạng, khi đã xác định rõ Mỹ không quay lại, nghĩa là không ủng hộ Thiệu nữa, nhiệm vụ hàng đầu là phải lật đổ Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng lực lượng nào đủ sức lật đổ Nguyễn Văn Thiệu và ai sẽ lên làm tổng thống để có lợi cho cách mạng? Theo ông Mười Hương, đó chỉ có thể là lực lượng 3 và Đại tướng Dương Văn Minh.

Dương Văn Minh đi lính cho Pháp từ năm 1940, sau theo Ngô Đình Diệm, nhưng ông bị thất sủng một phần do không cùng tôn giáo. Ngày 1-11-1963, Dương Văn Minh đứng đầu phe đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm. Nhưng chỉ hai tháng sau, tướng Nguyễn Khánh lại đảo chính, Dương Văn Minh lại mất quyền, đến tháng 12-1964 thì bị ép đi làm Đại sứ VHCH tại Thái Lan cho đến năm 1968. Từ năm 1971, Dương Văn Minh trở lại chính trường bằng việc ra tranh cử Tổng thống VNCH với Nguyễn Văn Thiệu, nhưng không thể đáp được máy bay xuống Tân Sơn Nhất (do Thiệu cản trở), ông buộc phải rút lui. Thiệu lên làm Tổng thống sau một cuộc tranh cử không có ứng viên thứ hai, còn tướng Dương Văn Minh thì tuyên bố bầu cử chỉ là trò múa rối! Từ khi Thiệu lên nắm quyền, Dương Văn Minh thất sủng trong chính quyền nhưng ông lại được cộng đồng Phật giáo, học sinh, sinh viên, trí thức ủng hộ mạnh nên vẫn an toàn.  

 

Dương Văn Minh-Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa. Ảnh: T.L 

Ông Mười Hương kể (nguyên văn): “Là vì thế này, tôi biết thằng Minh nó lên được là nhờ phong trào Phật giáo. Phong trào Phật giáo thì phải nói Huế, miền Trung chứ không phải Sài Gòn. Thế cho nên tôi mới tìm các ông này (các thành viên Cụm Điệp báo A10 sau này, lúc bấy giờ chủ yếu là học sinh, sinh viên ở Sài Gòn – N.L), tôi dứt khoát phải đi vào học sinh thì mới gây nên được. Tìm mấy ông này, tôi bảo các ông ấy cứ đi, cứ đưa ông Minh ra quốc hội đi. Ông Mai Chí Thọ còn nói với tôi thế này: “Ông nên nhớ quốc hội của nó độc diễn đấy nhé!”. “Tôi biết độc diễn chứ, nhưng mà bây giờ không có thằng nào dám chống lại cái việc hòa bình đâu. Cho nên, cứ đưa thằng Minh lên”.

Vấn đề mấu chốt là bản thân Dương Văn Minh có muốn làm Tổng thống hay không?


“ Tôi nói làm cái nghề này thì phải đúng thời cơ” - TRẦN QUỐC HƯƠNG
 

Ông Mười Hương kể tiếp: “Tôi có một cơ sở cùng đi lính Tây với thằng Minh (Dương Văn Minh – N.L). Ông cơ sở của tôi mới đến hỏi Minh, tại làm sao trước thì mày không làm (làm Tổng thống VNCH – N.L) mà bây giờ mày ra thì ra gặm xương à? Thằng Minh nó bảo, tao không có thiết gì cái Tổng thống miền Nam đâu, mà có khi dính vào đấy mình lại dơ. Cậu kia cậu ấy bảo, nó bảo thì mày cứ làm, cái quyền hành của mình mày có thể đóng góp vào cái hòa bình chứ. Thằng Minh bảo, để tao ở đây tao làm được cái gì để chấm dứt chiến tranh. Thế cho nên tôi biết cái tư tưởng hòa bình của nó từ lúc ấy. Thế cho nên đến lúc các ông này (Cụm Điệp báo A10 – N.L) mới đấu tranh (biểu tình chống Nguyễn Văn Thiệu, ủng hộ Dương Văn Minh – N.L), làm cho tiếng tăm nó lên cho nó hợp pháp, hợp hiến. Nó không phải là cái tổng thống bỏ phiếu của Mỹ đâu. Thế cho nên các ông ấy mới làm ồn lên. Đưa ra quốc hội nó chỉ hơn nhau có năm phân thôi, nhưng mà tiếng tăm của Dương Văn Minh khác hẳn”.

Ngừng lại giây lát, ông Mười Hương đúc kết: “Cho nên tôi nói làm cái nghề này thì phải đúng thời cơ, lúc nào làm được, lúc nào không làm được...”.

Nguyễn Lê

Cùng bạn đọc

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Mười Hương tiếp tục được Đảng giao phó nhiều trọng trách, chức vụ quan trọng. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa IV, V, VI. Ông từng giữ các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bí thư T.Ư Đảng,  Trưởng Ban Nội chính T.Ư...

Cuộc đời của ông Mười Hương vô cùng sinh động, gắn với những giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu đến tận hôm nay. Nhiều cuốn sách, nhiều bài báo ở trong và ngoài nước đã viết về ông. Điều đặc biệt là, dù ở trong hay ngoài nước, dù đứng ở quan điểm nào, những cuốn sách, những bài báo đều phải công nhận vai trò đặc biệt quan trọng của ông đối với mạng lưới an ninh, tình báo cách mạng trước năm 1975, một thế hệ tình báo kỳ tài bậc nhất của dân tộc Việt Nam.

 

Ông Mười Hương và một số thành viên Cụm Điệp báo A10. 

Qua 8 kỳ báo vừa qua, chúng tôi đã cố gắng phác thảo sơ lược một vài điểm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Mười Hương. Ngoài một số tư liệu do ông Mười Hương tặng, trong đó có cuốn sách viết về ông của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, và tư liệu của một số thành viên Cụm Điệp báo A10 cung cấp, chúng tôi dành thời gian nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau để có thể hình dung được nhân vật của mình. Tuy vậy, chúng tôi xin khẳng định rằng, tất cả những điều chúng tôi biết và viết về ông còn rất sơ sài. Kỳ thực, chúng tôi không thể nào hình dung hết những đóng góp, đặc biệt là những hy sinh mất mát mà ông đã gánh chịu trong cuộc đời. Chúng tôi không thể diễn đạt hết lòng ngưỡng mộ, quý mến của các thế hệ lãnh đạo, an ninh, tình báo, trí thức..., đối với ông. Chúng tôi cũng chưa diễn đạt trọn vẹn sự ngưỡng mộ của chúng tôi đối với ông.

Chúng tôi đã có lần nói rằng, đôi khi, lịch sử càng lùi xa càng thấy rõ; xin lặp lại mệnh đề này đối với nhân vật lịch sử Mười Hương.