Ông Nguyễn Bá Thanh trong lòng dân (4)
* Bài 4: ÔNG THANH VÀ ÔNG TRI
(Cadn.com.vn) - Chuyện ông Nguyễn Bá Thanh với giáo xứ Cồn Dầu nói riêng, với cộng đồng giáo dân nói chung, có hai sự kiện đáng nhớ. Đó là việc vào buổi tối nọ ông đến gặp một vị chức sắc (vốn kiên quyết phản đối dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân) để đàm đạo, nói chuyện bình đẳng, sòng phẳng giữa hai công dân. Ấy thế nhưng thiện chí của ông Nguyễn Bá Thanh đã bị vị này từ chối.
Chuyện thứ hai là buổi đối thoại giữa ông Nguyễn Bá Thanh và ông Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Đà Nẵng. Nhưng trước khi vào chuyện, cũng xin nói về cảm nhận đôi lần gặp gỡ giữa ông Thanh và ông Tri mà tôi được chứng kiến.
Ông Nguyễn Bá Thanh thăm, tặng quà ông Châu Ngọc Tri tại một buổi gặp mặt |
Hồi còn đương chức ở Đà Nẵng, hầu như Noel nào ông Nguyễn Bá Thanh cũng đến Tòa Giám mục (nhà thờ Con Gà) thăm, chúc mừng Giám mục Châu Ngọc Tri, các vị chức sắc và bà con giáo dân. Thành phần đoàn cũng không nhiều, thường chỉ có ông Nguyễn Bá Thanh và lãnh đạo Ban Tôn giáo thành phố. Sau nghi lễ chào hỏi, ông Tri mời khách một ly rượu thánh. Bên ly rượu, cùng những lời chúc tụng, hai ông thường tranh luận rất nhẹ nhàng, như lấy một câu chuyện ra kể rồi rút ra đôi điều triết lý. Trong một lần như vậy, ông Nguyễn Bá Thanh kể câu chuyện, đại loại thế này:
Có một ông vua nọ chột một mắt, cụt một chân. Ông ta kêu toàn bộ họa sỹ trong vương quốc lại và ra lệnh: Ai vẽ được chân dung vua đẹp nhất thì được thưởng, bằng không chém bỏ. Một họa sỹ tài năng tới, vẽ vua y như thật. Thế là vua ra lệnh trảm! Một họa sỹ khác được vời tới, rút kinh nghiệm, vẽ nhà vua có đủ hai chân, hai mắt. Nhà vua cũng lệnh trảm! Lúc này, tất cả các họa sỹ trong vương quốc đều run sợ, không biết ngày nào đến lượt mình đây?... Thế rồi một người xuất hiện, anh ta vẽ nhà vua đang cưỡi ngựa giương cung lên bắn, tư thế rất uy dũng phi phàm, cái chân cụt giấu ở bên kia hông con ngựa, còn mắt chột thì nheo lại trong tư thế ngắm! Thế là nhà vua vô cùng đắc ý, thưởng cho họa sỹ vô số vàng bạc châu báu. Còn các họa sỹ khác trong vương quốc thì mừng rơn vì thoát kiếp nạn kinh hoàng!
Ông Nguyễn Bá Thanh kết luận: Cuộc đời luôn đặt con người ta vào những hoàn cảnh, lựa chọn ngặt nghèo, khó khăn. Cái hay của con người ta là tìm ra lời giải để vượt qua. Ví dụ như chuyện đất đai, giải tỏa ở vùng giáo cũng vậy, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn nhưng nếu các vị chức sắc cùng với chính quyền quyết tâm tìm lời giải thì thể nào chẳng có!
Chứng kiến những cuộc chuyện trò như thế, tôi liên tưởng đến một người chuyên lo việc đời luận bàn với một người chuyên lo việc đạo, cũng là hình ảnh đẹp.
Nhưng không phải lúc nào cuộc đối thoại giữa hai ông cũng nhẹ nhàng, dễ chịu như thế. Đây chình là sự kiện đáng nhớ thứ hai về ông Thanh liên quan đến giáo xứ Cồn Dầu mà chúng tôi nói đến ở trên. Xin trích lại một đoạn mô tả buổi đối thoại này do tôi thực hiện thời điểm đó (ngày 19-5-2010):
“Trên màn hình lớn ở hội trường, các vị chức sắc Giáo hội Công giáo có dịp nhìn rõ hơn hành vi của nhóm quá khích. Họ có thể thấy rõ những đối tượng quá khích dùng dây sắt niềng chặt quan tài người chết vào xe bò để tông thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ như thế nào, thấy cảnh những đối tượng này tấn công bằng gậy gộc, cuốc, xẻng, bồ cào, gạch, đá ra làm sao...
Trong lúc chiếu đoạn băng quay được ở Cồn Dầu, Giám mục Châu Ngọc Tri đi đi lại lại ngoài hành lang. Một số Linh mục có mặt trong hội trường nhưng không nhìn màn hình. Sau đó, trong phần phát biểu của mình, Giám mục Châu Ngọc Tri nói: “Ông Bí thư bảo chiếu cho tôi xem sự việc ở Cồn Dầu. Tôi bảo tôi không xem. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó. Thật đáng tiếc đã để xảy ra như vậy”.
Hôm xảy ra vụ việc, Linh mục quản xứ Nguyễn Tấn Lục và Giám mục Giáo phận Châu Ngọc Tri đang bận tĩnh tâm ở Tòa Giám mục. Ông Nguyễn Bá Thanh đặt câu hỏi: Nếu hôm đó các vị (Giám mục, Linh mục) có mặt tại Cồn Dầu để khuyên nhủ bà con thì liệu có xảy ra vụ việc đáng tiếc ấy hay không? Giám mục Châu Ngọc Tri đáp: “Chúng tôi không thể can thiệp sâu. Không thể dùng cái khung xã hội để làm khung tôn giáo. Can thiệp vào người dân rất khó, bởi có những nỗi niềm riêng tư”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thanh không đồng tình với quan điểm này: “Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng mà các vị không đứng ra can gián, khuyên nhủ giáo dân mà lại đi tĩnh tâm, vậy có tĩnh tâm được không?”.
Trước đó, sau khi xảy ra vụ gây rối ở Cồn Dầu, ông Nguyễn Bá Thanh có hỏi một giáo dân, bà Huỳnh Thị Tại, một trong những người quyết liệt chống đối DA ĐTST Hòa Xuân, rằng: Nếu ông Giám mục Tri, ông Linh mục Lục có mặt ở đám tang bà Tân, rung chuông kêu gọi và khuyên nhủ thì bà con giáo dân có nghe theo không? Bà Huỳnh Thị Tại đáp: “Có lệnh là họ nghe thôi”.
Một vị chức sắc ẩn dụ ý kiến của mình bằng một câu chuyện. Ông bảo rằng ông có những người bạn. Ông cũng tự hào khoe với bạn về những thành tựu của Đà Nẵng. Nhưng bạn ông bảo: “Giá như TP Đà Nẵng không có mùi máu, không có hình ảnh công an thì tốt hơn”(!?). Ông Nguyễn Bá Thanh đáp lại: Máu ở đâu ra? Chẳng ai đổ máu cả. Vụ việc xảy ra ở đám tang bà Tân, ngoài mấy chiến sĩ công an bị thương tích, chẳng có giáo dân nào bị thương phải vào bệnh viện. Còn xã hội phải có luật pháp, kỷ cương, ở Mỹ hay Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới này cũng vậy, không thể dân chủ hổ lốn, ưa gì làm nấy. Ai không muốn điều tốt đẹp, muốn thanh bình? Nhưng một khi anh vi phạm thì pháp luật phải xử lý...”.
Ở trên chúng tôi nói đã liên tưởng đến hình ảnh ông Thanh chuyên lo việc đời, ông Tri chuyên lo việc đạo, ấy là tương đối, chứ thực ra hai việc ấy thể nào tách biệt nhau?. Ông Châu Ngọc Tri cũng là người có nhiều lần bày tỏ quan tâm và khuyên nhủ con chiên về việc đời, tất nhiên, không theo cách giống ông Thanh, nhưng cũng là những lời hữu ích. Chẳng hạn, ngày 16-2-2010, nhằm mồng 3 Tết Canh Dần, ông Giám mục Châu Ngọc Tri, Linh mục Tổng đại diện và các vị Linh mục khác của Tòa Giám mục giáo phận Đà Nẵng đến thăm và dâng lễ thánh cho giáo dân Cồn Dầu. Tại đây, ông Tri kể, bản thân ông đã đi 42 nước trên thế giới và chứng kiến nhiều công cuộc phát triển xã hội. Ở một làng nọ bên nước Pháp, khi chính quyền định xây dựng một sân bay thì giáo dân cũng rất phản đối. Giáo dân cho rằng, làm như vậy sẽ phá vỡ khung cảnh yên bình của quê hương họ, sân bay sẽ gây ra ồn ào, ảnh hưởng đến việc hành lễ ở nhà thờ. Tuy vậy, chính quyền vẫn quyết tâm làm bằng được. Đến khi xây dựng xong sân bay, đời sống xã hội phát triển tích cực thì giáo dân xứ đó cũng rất hài lòng, họ lại ủng hộ chính quyền...
Là người lãnh đạo cao nhất ở TP Đà Nẵng trong nhiều năm, hẳn ông Thanh có những mối quan hệ, những cuộc đối thoại, gặp gỡ thú vị với những người mang trọng trách khác nhau. Với riêng tôi, những cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ông với ông Giám mục Châu Ngọc Tri để lại nhiều ấn tượng khó quên.
Nguyễn Lê
(còn nữa)