Ông Nguyễn Bá Thanh trong lòng dân (2)

Thứ hai, 09/02/2015 12:20

* Bài 2: Chén đậu hũ và bàn thắng đẹp

(Cadn.com.vn) - Một buổi chiều muộn tháng 6-2005, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) gọi điện bảo có mượn được một cái bè nên rủ tôi và nhà báo Sơn Trung (Báo Đà Nẵng) ra âu thuyền Thọ Quang... ngắm trăng! Tôi ngờ ngợ, ngắm trăng cái nỗi gì giữa chốn này?

 

Lúc đó, rẻo đất nhô ra vịnh Đà Nẵng, nằm giữa cửa sông Hàn và âu thuyền Thọ Quang còn nham nhở, ngổn ngang bờ cát, vũng nước, sát bờ sông là những căn nhà chồ xập xệ nối liền nhau đèn điện tù mù... Khi tôi đến, Bí thư Dũng và toàn bộ lãnh đạo phường đều có mặt, trái hẳn với khung cảnh xung quanh, ai nấy đều rất vui, chuyện trò rôm rả. Bí thư Dũng bước thấp bước cao trên những đụn cát chạy đến bắt tay tôi: “Anh Nguyễn Bá Thanh duyệt hồi chiều rồi, sẽ triển khai ngay!”. Đó là tin tức đầu tiên chúng tôi nghe được về việc giải tỏa khu nhà chồ ven sông Hàn, một trong những dấu vết cuối cùng của “Đà Nẵng cũ”.

Việc Bí thư Đảng ủy và các vị lãnh đạo P. Nại Hiên Đông mời chúng tôi đi “ngắm trăng” và tiết lộ thông tin giải tỏa làng chồ, dù lúc đó chỉ mới là cái gật đầu của lãnh đạo chứ chưa hề có văn bản gì, cũng có một lý do. Hồi đó chúng tôi có đến làng chồ viết bài, có lẽ trùng hợp ngẫu nhiên (?), đúng 3 ngày sau khi báo đăng, lãnh đạo TP đi kiểm tra thực tế và quyết định triển khai dự án giải tỏa với tốc độ khẩn trương chưa từng thấy. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh ra lệnh: Nội trong 60 ngày phải giải tỏa dứt điểm nhà chồ! Cả P. Nại Hiên Đông, cả Q. Sơn Trà như cùng chuyển động. Người ta nhốn nháo hỏi nhau, thiệt không, thiệt không? Có người đi biển về, uống rượu say, sáng ngủ dậy “quớ làng” vì được đoàn kiểm định vào tận nhà lay dậy!

Vậy mà thành công. Sau hàng chục năm quy hoạch treo, với 16 tỷ đồng triển khai “khẩn cấp”, với sự đột phá về chỉ đạo, điều hành, kể cả “vượt rào” trong công tác quản lý đầu tư... người dân làng chồ Nại Hiên Đông đã lên bờ và đón Tết trong 350 căn nhà mới. Giờ đây, 350 căn nhà đó cũng đã bị giải tỏa, các hộ dân được bố trí vào căn hộ chung cư khang trang, hiện đại hơn, nhưng phải có lẽ thời điểm lên bờ năm 2005 là kỷ niệm khó quên đối với dân làng chồ cũng như đối với người dân Đà Nẵng, trong đó có chúng tôi.

Làng chồ không phải là dấu ấn đặc sắc duy nhất của chính quyền TP Đà Nẵng và ông Nguyễn Bá Thanh với tư cách người đứng đầu. Dấu ấn đầu tiên phải kể đến có lẽ là dự án chỉnh trang đường Phan Thanh, một trong những con đường đầu tiên áp dụng những chủ trương đột phá: Nhà nước và nhân dân cùng làm, đổi đất lấy hạ tầng. Đích thân ông Nguyễn Bá Thanh đã trực tiếp gặp gỡ người dân, nói rõ lẽ thiệt hơn, thuyết phục người dân đồng ý chủ trương của TP. Cái lý của ông rất đơn giản: Ở đường nhỏ khó đi lại mà giá trị đất thấp, mở rộng đường, chịu hy sinh vài mét đất thì đường sá thênh thang mà giá trị mỗi ngôi nhà đều cao hơn. Thế là, thật bất ngờ, người dân đồng ý ngay, nhiều hộ thậm chí còn không nhận tiền bồi thường hoặc chỉ nhận một phần.

Ông Nguyễn Bá Thanh chơi cờ tướng với người dân ở vỉa hè. Ảnh: ST

Đường Phan Thanh trở thành hiện tượng. Từ đây, chính quyền Đà Nẵng mở thêm nhiều con đường lớn hơn, thay đổi vĩnh viễn bộ mặt TP: Đường Bắc - Nam (nay là đường Hàm Nghi) và Đông – Tây (nay là đường Nguyễn Văn Linh, đường Liên Chiểu – Thuận Phước (nay là đường Nguyễn Tất Thành), Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền... cùng hàng loạt dự án khác, với số dân thuộc diện giải tỏa, đền bù lên đến hàng trăm nghìn hộ... Và, hầu như ở dự án nào ông Nguyễn Bá Thanh cũng đều trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân. Có lần ông Nguyễn Bá Thanh kể: Hồi giải tỏa đường Bắc – Nam, nhiều hộ dân phản đối rất quyết liệt, mỗi lần ông Thanh dẫn đoàn cán bộ giải tỏa đến gặp là... bỏ đi, quyết không cho kiểm định, đền bù. Cực chẳng đã, chính quyền phải ra lệnh cưỡng chế, vẫn thực hiện đầy đủ chính sách tái định cư cho các hộ này. Đến khi đường Bắc – Nam hoàn thành, đèn điện sáng trưng, có lần ông đi ngang thì gặp một người dân. Người này xăng xái chạy đến cảm ơn ông Thanh đã sáng suốt mở đường, giờ công việc làm ăn của bà con khá lên nhiều. Để bày tỏ lòng kính phục, ông ta mời ông Bí thư Thành ủy... một chén đậu hũ! Ông Thanh có lẽ rất nhớ chén đậu hũ này, riêng tôi, trong quá trình tác nghiệp, đã nghe ông kể đến vài lần, lần nào cũng tâm đắc lắm.

Có lần, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa do ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đến Đà Nẵng tham khảo cách giải tỏa, đền bù. Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp đoàn, nói chuyện đến mấy tiếng đồng hồ mà các vị lãnh đạo tỉnh bạn vẫn say sưa, hào hứng. Ông Thanh cho biết, trong giải tỏa đền bù, ở Đà Nẵng có mấy cái khác so với các địa phương. Cái khác đầu tiên là Đà Nẵng lập ra các Ban quản lý dự án, trực tiếp giúp việc cho lãnh đạo thành phố, chứ không phải dàn trải trách nhiệm ra các sở, ban, ngành, quận huyện. Nhờ đó mà công việc xúc tiến nhanh hơn, trực tiếp hơn. Cái khác nữa là lãnh đạo thành phố trực tiếp đối thoại, giải quyết nguyện vọng, đòi hỏi của dân, quyết được gì là quyết luôn, công khai, rõ ràng chứ không úp mở gì cả...

Bẵng đi một thời gian, đến năm 2011, ở Thanh Hóa “có chuyện”. Bức xúc trước việc chính quyền P. Ngọc Trạo (TX Bỉm Sơn) yêu cầu tiểu thương rời chợ Bỉm Sơn để bàn giao mặt bằng cho một đơn vị khác, hàng trăm người dân đã tuần hành, bãi thị, bao vây hết trụ sở hành chính thị xã đến tỉnh. Sự việc kéo dài 4 tháng, sang tận năm 2012 mà vẫn bế tắc, nóng bỏng. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng đó, ông Mai Văn Ninh xuất hiện, trực tiếp đối thoại với người dân. Ông không chỉ nghe tất tần tật những điều của hơn 800 người dân đang bức xúc tột độ trình bày mà còn mạnh dạn vạch ra những sai phạm, kém cỏi của chính quyền... Thế là, sau buổi đối thoại, ông Ninh rời đi trong sự tán thưởng, đồng tình nhiệt liệt của người dân, như một bàn thắng đẹp “vô tiền khoáng hậu” ở xứ Thanh.

Bàn thắng ấy chắc chắn là bởi tài năng, đức độ, khả năng xử trí của Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh. Nhưng tôi trộm nghĩ, liệu có phần nào trong đó, có sự tham khảo của ông sau chuyến công du Đà Nẵng? Và dẫu không có đi nữa, tôi vẫn mường tượng thấy hình ảnh hai vị lãnh đạo: Ông Thanh xì xụp chén đậu hũ tạ ơn của người dân bên đường phố Đà Nẵng, ông Ninh rời khỏi điểm nóng Bỉm Sơn trong sự hân hoan của người dân. Tất cả đều là những hình ảnh đẹp. Hình ảnh đó chỉ có thể là kết tinh của sự bao dung, gần gũi, sòng phẳng... giữa người dân với lãnh đạo, không thể nào giả dối được.

Nguyễn Lê
(còn nữa)