Ông Obama trấn an Châu Âu

Thứ tư, 04/06/2014 11:28

(Cadn.com.vn) - Đến Châu Âu với một tâm trạng đầy lo lắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn chứng tỏ sức mạnh đoàn kết quân sự và trấn an các quốc gia đồng minh.

Ông chủ Nhà Trắng đặt chân xuống sân bay ở thủ đô Warsaw, Ba Lan vào ngày 3-6, mở màn chuyến công du các nước Châu Âu trong bối cảnh quan hệ với Nga vẫn căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.

Chỉ ít phút sau khi bước chân ra khỏi chiếc Air Force One, ông Obama đứng bên cạnh người đồng cấp Ba Lan Bronislaw Komorowski và tuyên bố, “hai nước sẽ mãi mãi là bạn bè tốt”. “Phông nền” chứng thực cho sự đoàn kết: 4 máy bay chiến đấu F-16 – hai của Mỹ, hai của Ba Lan, quần thảo trên bầu trời  như một phần của cuộc tập trận đa quốc gia tại Warsaw. “Tôi bắt đầu chuyến thăm đến đây vì an ninh Ba Lan, cũng như an ninh của các đồng minh ở Trung và Đông Âu... và đây là vấn đề bất khả xâm phạm”, ông Obama tuyên bố.

Tổng thống Obama (trái) và người đồng cấp Ba Lan Komorowski phát biểu
khi gặp các binh sĩ Mỹ và Ba Lan tại một căn cứ ở thủ đô Warsaw. Ảnh: AP

Khẳng định Ba Lan là một trong những đồng minh mạnh nhất của Mỹ, Tổng thống Obama đẩy mạnh cam kết sẽ cùng các đồng minh Châu Âu đối mặt với mọi mối đe dọa. “Đó là cam kết đặc biệt quan trọng vào thời điểm này”, ông Obama nói. Trong khi đó, ông Komorowski mải miết nói về “tình anh em Ba Lan-Mỹ” khi cảm ơn ông Obama giúp đỡ để Warsaw an toàn hơn. Những tuyên bố ve vãn nhau của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ba Lan mở ra chuyến đi kéo dài 4 ngày đến Châu Âu ngập tràn trong lịch sử và suy tư về những thành tựu dân chủ trong quá khứ của Châu Âu.

Nhưng rõ ràng, vị thế của Mỹ càng được củng cố khi trong cuộc hội thảo tại Cơ quan báo chí của các lực lượng, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Mỹ, Derek Chollet cũng nhấn mạnh cam kết về an ninh chung trong khu vực này sẽ được thực hiện thông qua hàng loạt hành động nhằm trợ giúp các đồng minh của NATO và các đối tác. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, việc Lầu Năm Góc tăng cường triển khai lực lượng trên không, trên bộ và trên biển ở Đông Âu là minh chứng rõ ràng cho cam kết lâu dài và bền vững của Mỹ đối với tình hình an ninh chung và liên minh quân sự NATO.

Mỹ muốn có hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc

Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) Curtis Scaparrotti ngày 3-6 cho biết, Washington đang xem xét triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) tiên tiến tại Hàn Quốc đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên.

Theo Yonhap, tuyên bố của tướng Scaparrotti về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc là dấu hiệu mới nhất trong một loạt các dấu hiệu cho thấy, Washington muốn kéo Seoul tham gia hệ thống MD, đề nghị bị Seoul từ chối. Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin, Mỹ tiến hành khảo sát thực địa tại Hàn Quốc về những địa điểm có khả năng đặt hệ thống THAAD.

T.Ngọc

Sau Ba Lan, Tổng thống Obama sẽ tới Bỉ để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7. Ngày 6-6, ông đến Pháp hội đàm với Tổng thống Francois Hollande cũng như tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày D-Day, ngày quân đồng minh đổ bộ lên Normandy, đánh dấu chiến thắng phát xít Đức. Tại Normandy, ông chủ Nhà Trắng sẽ có bài phát biểu quan trọng, hội đàm với Tổng thống đắc cử Ukraine Petro Poroshenko và tất nhiên sẽ chạm mặt người đồng cấp Nga Vladimir Putin.     

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã mời tất cả các nhà lãnh đạo đến tham dự lễ D-Day. Tuy nhiên, ông Hollande đã bỏ nhiều công sức để giữ khoảng cách giữa ông Obama và Putin. Ông chủ Điện Elysée tổ chức bữa ăn tối thân mật với Tổng thống Obama tại Paris vào tối 5-6 và sau đó mời ông Putin trong bữa ăn riêng biệt khác. Động thái này của nước chủ nhà Pháp cho thấy khoảng cách đang ngày càng cách xa giữa "hai ông chủ" lớn thế giới –Nga và Mỹ.

Lễ kỷ niệm D-Day lần này là cơ hội để Tổng thống đắc cử Poroshenko tự giới thiệu mình trước hàng chục nhà lãnh đạo khác, trong đó có ông Putin. Vì thế, mọi con mắt chắc chắn sẽ đổ dồn vào “ngôn ngữ cơ thể” và bất kỳ sự tương tác nào giữa nhà lãnh đạo của Nga, Mỹ và cả Ukraine.

Khả Anh