Ông Pompeo tay trắng rời Triều Tiên
Hãng tin KCNA đã có bài viết cho rằng, kết quả các cuộc thảo luận của giới chức Triều Tiên với phái đoàn do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn đầu là “vô cùng đáng lo ngại”, đồng thời cáo buộc Washington đòi hỏi phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn đầu (bên trái) trên bàn đàm phán với phía Triều Tiên. Ảnh: CNN |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8-7 đã đến Nhật Bản sau khi kết thúc chuyến thăm được kỳ vọng tại Triều Tiên nhằm bàn về kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên – một điều khoản quan trọng đạt được trên bàn hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, với những gì diễn ra trên bàn hội đàm trong ngày 7-7, giới quan sát có thể nói rằng, ông Pompeo đã phải tay trắng rời Triều Tiên và để lại cho Mỹ 3 kịch bản xấu.
Tay trắng
Theo Foxnews, Ngoại trưởng Pompeo dường như thất bại trong nỗ lực tìm kiếm nhượng bộ từ Triều Tiên sau các cuộc họp liên tiếp vào cuối tuần qua. Trên thực tế, có vẻ như cả hai bên thậm chí không thể nhất trí về những gì đã được thảo luận hoặc các cuộc đàm phán diễn ra như thế nào. Bình Nhưỡng thậm chí còn đe dọa sẽ hủy bỏ cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, vốn vẫn bị chỉ trích là rất mơ hồ.
Sau các cuộc đàm phán với ông Pompeo, Triều Tiên cáo buộc chính quyền ông Trump tìm kiếm phi hạt nhân hóa đơn phương và trong trạng thái bị ép buộc từ Bình Nhưỡng. Hãng tin KCNA của Triều Tiên ngay sau đó đã có bài viết cho rằng, kết quả các cuộc thảo luận của giới chức Triều Tiên với phái đoàn do Ngoại trưởng Pompeo dẫn đầu là “vô cùng đáng lo ngại”. KCNA cáo buộc Washington đòi hỏi phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. “Đây là những vấn đề phức tạp, nhưng chúng tôi đã có những tiến bộ trên hầu hết các vấn đề trọng tâm. Tuy nhiên, ông Pompeo không chỉ rõ những tiến bộ đã được thực hiện”, tuyên bố của Bình Nhưỡng cho biết.
Thực tế cho thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thậm chí không gặp ông Pompeo trong 2 ngày qua, mặc dù từng đón tiếp vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ 2 lần trước. Điều đó rõ ràng là bằng chứng cho thấy, ông Pompeo đã phải thất vọng rời khỏi các cuộc đàm phán với phía Bình Nhưỡng.
Những kịch bản không mong muốn
Mọi việc đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, và giới chuyên gia cho rằng, chỉ có 3 con đường có thể cho chính quyền Tổng thống Trump hiện nay. Nhưng thật tiếc, cả ba đều rất xấu.
Thứ nhất là tấn công quân sự. Mỹ có thể tấn công Triều Tiên để loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhưng đây là kịch bản rất nguy hiểm. Hầu như không có cách nào mà quân đội Mỹ có thể đảm bảo việc tiêu diệt 65 vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên được cho là đang sở hữu. Các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nằm rải rác trên khắp đất nước và có khả năng ngầm sâu - vì vậy chúng không thể bị phá hủy chỉ trong một cuộc ném bom vào một mục tiêu duy nhất. Và tất nhiên, sau cuộc tấn công của Mỹ, chính quyền ông Kim Jong-un sẽ trả đũa bằng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào.
Thứ hai là thực hiện chính sách gây áp lực tối đa. Ý tưởng về giải pháp này là cô lập Triều Tiên khỏi thế giới ngoại giao và kinh tế. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley có thể sẽ kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của HĐBA LHQ, yêu cầu cấm xuất khẩu vào Triều Tiên, cũng như ngăn chặn tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên (như dầu mỏ) đổ vào nước này. Thật không may, chiến dịch gây áp lực tối đa này cũng rất khó thực hiện, bởi vì nó sẽ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ-trung đang rơi vào cuộc chiến thương mại nguy hiểm, có vẻ như Bắc Kinh không có động cơ nào để giúp Washington.
Và cuối cùng là Mỹ buộc phải chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Thực tế là Washington đã có những thỏa thuận với các quốc gia khác có vũ khí hạt nhân - Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan và Israel – nên việc có thêm một thỏa thuận tương tự với Triều Tiên là có thể xảy ra.
KHẢ ANH