Ông tiên giữa đời thường

Thứ tư, 02/10/2013 09:47

“Tham gia, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, hình ảnh những người đồng đội luôn trong ký ức của tôi. Về thời bình, tôi muốn làm tất cả sức mình góp một phần nào đó xoa dịu nỗi đau chiến tranh, lo cho những người thân của đồng đội, đồng chí. “Lương” đối với tôi là niềm vui, lẽ sống”.
(Cựu chiến binh LÊ VĂN TÁ)

(Cadn.com.vn) - Về xã Hòa Châu (H. Hòa Vang, Đà Nẵng), hỏi cụ Lê Văn Tá ai cũng biết, không chỉ vì cụ đã 63 tuổi Đảng, từng là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, mà còn bởi những đóng góp của cụ cho cộng đồng.

Tham gia quân đội và vào Đảng từ rất sớm (1-1-1950), về hưu với hàm Đại tá, năm 1990 cụ Lê Văn Tá đưa gia đình về sinh sống tại xã Hòa Châu. Sau khi tham gia xây dựng Hội CCB xã, Hội CCB huyện, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, đến đầu tháng 5- 2011, khi Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh số 3 (Trung Tâm 3, thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn) được thành lập, cụ giữ chức Phó giám đốc Trung tâm.  Hiện nay, ở tuổi 81, sáng nào hàng xóm cũng thấy cụ đều đặn đạp xe vượt gần 10 cây số từ nhà đến Trung tâm làm việc, bất kể mưa hay nắng.

Tại Trung tâm 3 này, có hơn 50 trẻ em bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam/dioxin, là con em các xã miền núi của huyện Hòa Vang như Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phú... Phần lớn trong số này được cụ Tá đến từng nhà vận động gia đình cho các em đến với Trung tâm. “Cụ Tá có khả năng vận động bà con xung quanh rất tốt. Những đứa trẻ nào không có khả năng đến với Trung tâm, cụ sẵn sàng hỗ trợ một phần để gia đình chăm sóc các em”, anh Bùi Trung Hiếu cán bộ sửa chữa điện nước tại Trung tâm kể.

Trung tâm bảo trợ số 3 là gia đình thứ 2 của cụ.

Để Trung tâm 3 duy trì các lớp học văn hóa, học nghề và sinh hoạt thể dục, thể thao, văn nghệ, ngoài ngân sách thành phố, sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước, những cán bộ của Trung tâm 3 đều tham gia các chương trình  tình nguyện vận động kinh phí. Cụ Tá là một trong những người phải “xông trận” nhiều nhất. “Tại đây, các em sinh hoạt, vui chơi... Nhờ thế mà đỡ đi gánh nặng cho những gia đình vùng quê vốn còn nghèo khó. Chiều, các em được ô-tô đưa về tận nhà. Để duy trì các hoạt động ấy, không lăn xả vận động, không thể lo chu tất”, cụ Tá tâm sự.

Có uy tín cao và nhiệt huyết tràn đầy, cụ Tá nhận được sự tin tưởng của nhiều hộ gia đình có con em sinh hoạt tại Trung tâm 3. “Lương” nhận mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, cụ Tá dành trọn góp vào mua gia súc, vật nuôi, phát triển khu vườn của trung tâm, cải thiện bữa ăn cho các em khuyết tật. “Tôi xem các cháu ở đây như cháu ruột của mình, xem Trung tâm là một gia đình lớn. Hỏi làm sao tôi không lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ của chúng. Có người bảo tôi về hưu rồi mà tham công tiếc việc. Nhưng nhìn các cháu, tôi làm sao mà dứt được?”.

Cụ Tá chăm lo cho các cháu tại trung tâm từng bước đi.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng nói về ông Tá với tình cảm trân trọng: “Cụ Tá là một người cựu chiến binh đầy nhiệt huyết trong các chương trình từ thiện. Ngoài vận động các cá nhân, tổ chức xã hội, cụ còn vận động hàng xóm, người thân trong gia đình góp công, góp của xây dựng, chăm sóc các cháu tại Trung tâm 3”.

Đã cuối giờ chiều, đám trẻ Trung tâm 3 vẫn vây quanh cụ Tá, thân thiết như người ông hiền hậu. Có lẽ với chúng, cụ Tá rất gần, rất giống những ông tiên mà các cháu đọc đâu đó trong những câu chuyện đời xưa.

Bình Dương