Ông Trump “dội bom” Trung Đông

Thứ sáu, 08/12/2017 10:50

Tổng thống Donald Trump đã làm một việc mà không một tổng thống Mỹ nào trước đó “dám” làm: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Thậm chí, ông Trump cũng thông báo các kế hoạch xây dựng Đại sứ quán Mỹ mới ở thành phố này, thánh địa linh thiêng mà cả người Israel và người Palestine đều tuyên bố là thủ đô của họ.

Tổng thống Donald Trump ký bản ghi nhớ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: AFP  

Bất chấp những nỗ lực can thiệp quyết liệt, cảnh báo về những hậu quả khôn lường, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng vẫn tuyên bố chính thức công nhận “Jerusalem là thủ đô của Israel”.

Thậm chí, ông Trump cũng đã thông báo các kế hoạch xây dựng một Đại sứ quán Mỹ mới ở thành phố này, thánh địa linh thiêng mà cả người Israel và người Palestine đều tuyên bố là thủ đô của họ. Động thái này được ví như “dội bom” vào Trung Đông, làm dấy lên lo ngại về những xung đột đẫm máu mới ở khu vực này.

Ông Trump đã nói gì?

Trong bài phát biểu ở Nhà Trắng vào sáng 7-12 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump tuyên bố: “Thành phố đó (Jerusalem) là thủ đô của Israel. Giờ là lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”. Tổng thống Mỹ cũng thông báo các kế hoạch xây dựng một Đại sứ quán mới ở Jerusalem. Hiện Đại sứ quán Mỹ đang ở Tel Aviv.

Với quyết định này, ông Trump đã làm một việc mà không một tổng thống Mỹ nào trước đó “dám” làm trong 22 năm qua. Từ năm 1995, Quốc hội Mỹ ra luật cần phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về đó. Luật này bắt buộc thi hành, nhưng cho phép tổng thống có thể trì hoãn thực hiện trong thời gian 6 tháng. Từ đó, các đời Tổng thống Mỹ đều trì hoãn thực hiện với việc mỗi năm ký 2 sắc lệnh trì hoãn. Từ khi ra tranh cử, ông Trump nhiều lần cam kết sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem như các ứng viên Bill Clinton và George W. Bush. Tuy nhiên, vào ngày 1-6, Tổng thống Trump cũng theo gót hai người tiền nhiệm ký sắc lệnh trì hoãn tương tự.

“Các vị tổng thống ký lệnh trì hoãn với niềm tin sẽ thúc đẩy hòa bình Trung Đông. Nhưng sau hơn 2 thập niên trì hoãn, vẫn không có tiến triển nào cho thỏa thuận hòa bình Israel và Palestine”, Tổng thống Trump nói, biện hộ cho quyết định gây giận dữ của mình. Ông cũng tự miêu tả mình dám thực hiện lời hứa mà các đời tổng thống đều né tránh. “Nhiều tổng thống đã nói rằng họ muốn làm một điều gì đó, nhưng họ đã không làm. Tôi không thể nói với các bạn rằng đó là sự dũng cảm hay là họ đã thay đổi ý định. Tôi nghĩ nó bị quá hạn từ lâu”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Người Palestine biểu tình ở Gaza phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP 

Israel và Palestine nói gì?

Israel và Palestine, tất nhiên, có những phản ứng trái ngược với quyết định lần này của Tổng thống Trump. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên Twitter, cảm ơn ông Trump “vì quyết định can đảm và chính đáng”. Ông Netanyahu nói thêm rằng, “không có hòa bình nào mà không bao gồm việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”. Những phản ứng vui mừng thái quá từ Tel Aviv thậm chí khiến Washington lo lắng. Mỹ đã gửi yêu cầu Israel kiềm chế do lo ngại bùng nổ làn sóng phản ứng chống đối bùng nổ khắp thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmood Abbas chỉ trích người đồng cấp Trump gay gắt, cho rằng, Mỹ đã trao “phần thưởng cho Israel”. Tổng thống Abbas cũng cho rằng, Mỹ có thể không còn đóng vai trò trung gian hòa giải cho hòa bình Trung Đông. Trong bài phát biểu sau thông báo của ông Trump, ông Abbas nói: “Động thái của ông Trump chẳng khác gì việc Mỹ thông báo rút khỏi việc đóng vai trò mà Washington đã đảm nhận trong thập kỷ qua, đó là bảo trợ cho tiến trình hòa bình”. Các nhà lãnh đạo Palestine tuyên bố “3 ngày giận dữ” để phản đối quyết định này.

“Giết chết” tiến trình hòa bình Trung Đông

Israel chiếm phần lớn vùng đông bắc Jerusalem trong cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 và sau đó sáp nhập, tuyên bố là thủ đô  không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.

Vì vậy, từ đó đến nay, quy chế của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là trung tâm xung đột Israel-Palestine. Nhiều kế hoạch hòa bình đã sụp đổ trong những thập kỷ qua trong vấn đề làm thế nào để phân chia chủ quyền hoặc giám sát các thánh địa ở Jerusalem. Cộng đồng quốc tế hầu hết không công nhận thành phố cổ này là thủ đô của Israel, khẳng định, vấn đề chỉ có thể được giải quyết trong các cuộc đàm phán - một điểm nhấn mạnh mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố như một cách phản đối quyết định của ông Trump. Ông Guterres thậm chí chỉ trích Tổng thống Trump “mù quáng”.

Thật sự, quyết định nói trên được xem là sự trái ngược với chính sách mà Washington thực thi nhiều thập kỷ qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, có nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine. Nhưng ông Trump khẳng định động thái này đã không làm thay đổi các cuộc thảo luận cuối cùng, nói rằng, nó chỉ đơn giản phản ánh thực tế phía tây Jerusalem đã và sẽ tiếp tục là một phần của Israel theo bất kỳ cách giải quyết nào. “Đây không phải là điều gì khác hơn ngoài sự công nhận thực tế”, Tổng thống Trump tuyên bố.

Người biểu tình Palestine đụng độ với lực lượng an ninh Israel ở gần trạm kiểm soát tại thành phố Bờ Tây trong ngày 7-12. Ảnh: AFP

Những phản ứng giận dữ

Tuy nhiên, trên thực tế, đã xảy ra những cuộc biểu tình quy mô lớn ở Gaza và Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối quyết định của ông Trump. Đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh Israel và người biểu tình Palestine ở gần trạm kiểm soát thuộc thành phố Bờ Tây. Phong trào Hồi giáo Hamas, hiện đang kiểm soát Dải Gaza, kêu gọi “ngày giận dữ” vào hôm nay (8-12), khi cho rằng, quyết định của ông Trump sẽ “mở cánh cửa của địa ngục” cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Saudi Arabia gọi quyết định này là “phi lý và vô trách nhiệm”.Từ Iran, Lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ của Iran Ali Khamenei kêu gọi thế giới Hồi giáo đứng lên chống lại “âm mưu của Mỹ”. Iraq thậm chí triệu Đại sứ Mỹ tại Baghdad để phản đối việc Tổng thống Trump, cho rằng, động thái này sẽ đẩy khu vực “đến bờ vực xung đột mới”. Jordan gọi đây là quyết định “không có giá trị” hợp pháp bởi nó củng cố hành động của Israel chiếm đóng phần Đông Jerusalem.

Không lạ khi chứng kiến phản ứng giận dữ từ các nước Arab Trung Đông. Nhưng thậm chí ngay ở trong lòng nước Mỹ, sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Trump cũng nổ ra khắp nơi. Phản ứng từ Đồi Capitol cũng rất quyết liệt. Trong bài phát biểu kéo dài 11 phút tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump lưu ý, Thượng viện nhất trí thông qua việc chuyển Đại sứ quán Jerusalem và công nhận Jerusalem. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản một số thượng nghị sĩ chỉ trích nhà lãnh đạo này. Thượng nghị sĩ Mark Warner, D-Va cho rằng, “quyết định của tổng thống hôm nay là sai lầm lớn và không cần thiết, gây ra máu lửa cho khu vực Trung Đông”.

Cả Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo đều phản đối quyết định trên. Họ khuyến cáo ông Trump không phá vỡ nguyên trạng trong khu vực. Quyết định của ông Trump cũng khiến các nhà lãnh đạo Châu Âu nóng mặt. Thủ tướng Anh Theresa May nói với Hạ viện, “quan điểm của chúng ta vẫn chưa thay đổi. Số phận của Jerusalem cần được xác định như là một phần của một thỏa thuận hòa bình Trung Đông”. Nga cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước quyết định của ông Trump, nhấn mạnh, hành động này sẽ đe dọa an ninh khu vực.

Trước những phản ứng giận dữ như thế này, ngày 7-12, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Đông và Châu Âu cảnh báo những người dân Mỹ đang đi du lịch hoặc sống ở đó cần cẩn trọng với những cuộc biểu tình bạo lực.

KHẢ ANH