Ông Trump “sai lầm lớn” với ý định rút quân khỏi Đức

Thứ ba, 09/06/2020 17:42

Tổng thống Mỹ rõ ràng muốn trừng phạt Đức vì đã không chi tiêu đủ cho quốc phòng. Nhưng quyết định này của một tổng thống nóng tính là sai lầm vì nhiều lý do.

Binh sĩ Mỹ tập trận tại Grafenwoehr, Đức, tháng 5-2017.   Ảnh: AFP

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cùng một số phương tiện truyền thông khác ngày 5-6 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ rút bớt số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức từ 34.500 người xuống 25.000. Con số 9.500 quân này tương đương 1/3 trong tổng số 34.500 quân Mỹ đang đồn trú ở Đức.

Theo một quan chức Mỹ, trong số binh sĩ sẽ được rút khỏi Đức, sẽ có một phần trở về nước, một phần chuyển tới Ba Lan. Lý do của kế hoạch rút quân này được cho là kết quả làm việc trong nhiều tháng của Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley; chứ không phải xuất phát từ bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel - người đã từ chối tham gia kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Mỹ trong tháng này mới đây.

Trong khi, một số nguồn tin tiết lộ, kế hoạch rút quân có thể xuất phát từ bất đồng về chi phí quốc phòng giữa các nước thành viên NATO. Bởi từ lâu, ông Trump đã dọa rút quân đội Mỹ ra khỏi nước Đức vì muốn ép buộc Chính phủ Đức phải tăng mức chi phí ngân sách quốc phòng hàng năm, ít nhất lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như các nước thành viên NATO đã thỏa thuận với nhau từ năm 2014.

Hiện cả Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ đều chưa lên tiếng về vụ việc, song cùng khẳng định, Tổng thống Mỹ Trump vẫn “liên tục đánh giá lại tình hình và tạo điều kiện tốt nhất cho các lực lượng quân đội Mỹ”.

Giới chức Đức quan ngại

Giới chức Đức đã lên tiếng cảnh báo về những tổn hại do kế hoạch này của Tổng thống Trump. Điều phối viên của Chính phủ Đức về quan hệ xuyên Đại Tây Dương Peter Beyer cảnh báo “mối quan hệ Đức-Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi quyết định này của ông Trump.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lấy làm tiếc về bước đi này của đồng minh Mỹ. Theo ngoại trưởng Maas, Đức và Mỹ là những đối tác thân thiết trong liên minh quân sự NATO, song ông thừa nhận rằng mối quan hệ giữa hai nước hiện nay “phức tạp”. Ông Maas khẳng định, Đức trân trọng sự hợp tác cùng các lực lượng Mỹ trong suốt những thập kỷ qua, nói thêm rằng mối quan hệ này là vì lợi ích của hai nước.

Nghị sĩ Johann Wadephul, một thành viên cấp cao trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá kế hoạch của Mỹ giảm quân số đồn trú tại Đức thể hiện chính quyền Tổng thống Trump “thờ ơ với nhiệm vụ lãnh đạo cơ bản”, đồng thời càng cho thấy Châu Âu cần tự chủ hơn về phòng thủ. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đối tác của CDU trong liên minh cầm quyền, ông Rolf Muetzenich cho rằng kế hoạch trên của Mỹ có thể dẫn tới việc “sắp xếp lại chính sách an ninh ở Châu Âu”.

“Sai lầm lớn”

Quyết định rút 9.500 quân khỏi Đức của Thổng thống Trump không có ý nghĩa nhiều về mặt quân sự. Lực lượng Mỹ về cơ bản hoạt động trong khuôn khổ NATO. Họ vận hành căn cứ không quân Ramstein, một bệnh viện quân đội và một cơ sở huấn luyện quân sự. Chúng là những trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng NATO, nhưng nói đúng ra, chúng không đóng góp nhiều cho quốc phòng của Đức. Tuy nhiên, quyết định chuyển một số quân đến Ba Lan và số còn lại rút về nước sẽ làm suy yếu quân đội của chính ông, cũng như NATO.

Đó là một quyết định hoàn toàn mang tính chính trị được thực hiện nhằm gây áp lực lên đồng minh Đức của Washington. Đúng là Đức không đáp ứng mức chi 2% GDP cho quốc phòng như đã thỏa thuận. Washington và các thành viên khác của liên minh tất nhiên có thể chỉ trích điều đó, nhưng bằng cách rút quân, Mỹ chỉ tự làm suy yếu chính mình. Nga sẽ ăn mừng động thái này của Mỹ bởi thực tế rằng lãnh đạo NATO đang gieo rắc sự chia rẽ trong hàng ngũ của chính mình.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jack Reed, thành viên thuộc Ủy ban quân ủy Thượng viện Mỹ, đã chỉ trích kế hoạch rút quân của Mỹ ra khỏi Đức, coi đó là  “sự keo kiệt và vô lý”. Còn chuyên gia Andrew Weiss thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở tại Mỹ nhận định, động thái này là “món quà lớn” cho các đối thủ của Mỹ như Nga. Cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Châu Âu Ben Hodges đánh giá rằng kế hoạch giảm quân số Mỹ đồn trú tại Đức sẽ là “một sai lầm lớn”. Ông nêu rõ: “Quân Mỹ ở Châu Âu không phải để bảo vệ Đức, mà là lực lượng của NATO được triển khai để bảo vệ tất cả các thành viên”.

Hồi chuông cảnh tỉnh cho Châu Âu

Quyết định của Tổng thống Trump, người chịu nhiều áp lực lớn trong nước, có thể được xem là một phần của chiến dịch tái tranh cử của ông. 4 năm trước, ông hứa sẽ thu lại “hàng triệu USD” đã chi cho NATO. Mặc dù vậy, thực tế không như vậy bởi vì mọi thành viên NATO đều trả tiền cho quân đội của chính họ. Không có khoản phí nào mà Mỹ có thể đòi lại khi đóng quân ở Châu Âu hoặc bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, Trump muốn thuyết phục những người ủng hộ rằng ông có thể khiến liên minh nhảy theo giai điệu của riêng mình.

Toàn bộ sự việc này đã một lần nữa cho thấy các thành viên Châu Âu của NATO không thể dựa vào Mỹ. Đó là một lời cảnh tỉnh Châu Âu: hãy chủ động khi nói đến việc tự vệ và thực sự chi nhiều tiền hơn cho vấn đề này. Một nghị sĩ của Đức thì cảnh báo rằng, bước đi mới của Mỹ có thể là lời “cảnh báo lớn nhất” đối với các đồng minh của Mỹ trước “chính sách nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump.

AN BÌNH