Ông Trump và bài toán cải cách luật kiểm soát súng đạn

Thứ năm, 22/02/2018 09:28

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi hàn gắn và hòa bình, một ngày sau vụ xả súng tại một trường cấp 3 ở Parkland, bang Florida khiến 17 người thiệt mạng. Tổng thống Trump cũng tuyên bố chính quyền của ông sẽ nỗ lực để cải thiện môi trường an toàn trong trường học và giải quyết vấn đề về rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, trách nhiệm trên vai ông chủ Nhà Trắng không chỉ dừng lại ở đó.

Nỗi đau của gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng ở Parkland thuộc bang Florida, Mỹ.   Ảnh: AP

Nước Mỹ lại lần nữa chấn động sau vụ xả súng kinh hoàng xảy ra ngày 14-2 tại trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở Parkland thuộc bang Florida khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Thủ phạm gây ra vụ xả súng là Nikolas Cruz, 19 tuổi, cựu học sinh của trường.      

Nếu Tổng thống Donald Trump thực sự nghiêm túc với cam kết về một “giải pháp” đối với bạo lực súng, ông đang đứng trước cơ hội vàng để chứng minh điều này, ngay trong tuần này.

“Cơ hội vàng” cho ông Trump

Theo giới phân tích, Tổng thống Trump có thể đưa vấn đề này vào Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), hội nghị chính trị hằng năm ở Mỹ, sẽ diễn ra vào ngày 23-2 tới, và giải thích tại sao cần phải cải cách luật kiểm soát súng đạn sau vụ thảm họa ở Parkland.

Trong tuyên bố mới nhất hôm 20-2, đối mặt với những chỉ trích sau vụ thảm sát ở Parkland, ông Trump thường xuyên đổ lỗi cho những người tiền nhiệm về hành động thiếu sót và nhấn mạnh, ông sẽ khác biệt và sẽ thay đổi. Một ngày sau vụ xả súng, Tổng thống Trump cũng đã kêu gọi hàn gắn và hòa bình. Tuy nhiên, trách nhiệm trên vai ông chủ Nhà Trắng không chỉ dừng lại ở đó. Về lý thuyết, ông Trump có thể sử dụng vị thế của mình với các nhà hoạt động Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ (trong đó quy định vũ khí là một phương tiện để bảo vệ an ninh quốc gia, và mọi người dân đều có quyền tự do vũ trang), để thay đổi luật kiểm soát súng đạn.

Tuy nhiên, không có nhiều hy vọng cho vấn đề này. Ví dụ, trong lần xuất hiện tại CPAC năm ngoái, ông Trump đã đổ lỗi cho Wayne LaPierre, Phó Chủ tịch của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ông Trump thực sự nghiêm túc với những gì đã nói về việc kiểm soát súng đạn và đang nỗ lực hành động.

Kêu gọi hành động nhanh chóng

Ngày 21-2, những người sống sót trong vụ xả súng trường học ở Parkland đã đến thủ phủ bang để kêu gọi các nghị sĩ của bang hành động nhiều hơn nữa trong nỗ lực cải cách luật kiểm soát súng đạn. Khoảng 100 học sinh đến Tallahassee vài giờ trước khi cơ quan lập pháp của tiểu bang bác lệnh cấm sử dụng súng trường tấn công. Các học sinh tổ chức diễu hành trên đường phố và sau đó gặp các nghị sĩ của bang. Đây là cuộc phản kháng có tổ chức đầu tiên của phong trào chống súng đạn đang nở rộ khắp nước Mỹ sau hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng.

Tất cả hy vọng đang đặt vào Tổng thống Trump. Nếu ông chủ Nhà Trắng quyết định chấp nhận rủi ro và đi đầu trong nỗ lực tăng cường kiểm tra cơ sở mua bán súng - đó sẽ là khởi đầu cho nhiệm kỳ của ông. Trong những tuần gần đây, khi vẫn còn tồn đọng vấn đề liên quan đến người nhập cư - Nhà Trắng có lẽ không muốn gây chiến thêm nữa với Quốc hội. Nhưng áp lực chính trị đối với Nhà Trắng đang gia tăng nhanh chóng trước các hoạt động phản kháng của sinh viên Florida.

Trong cuộc khảo sát mới nhất, 66% người Mỹ kêu gọi áp dụng luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, các nghị sĩ thường chịu áp lực từ những cơ sở mua bán súng và NRA. Và ông Trump cũng vậy. Tuy nhiên, trong dấu hiệu cho thấy sức ép đang bắt đầu có hiệu lực tại Washington, ông Trump đã ra lệnh cấm thiết bị chuyển đổi súng trường bán tự động sang chế độ bắn liên thanh, thiết bị tay súng thảm sát ở Las Vegas hồi tháng 10-2017 đã sử dụng làm 58 người thiệt mạng.

Tại sao Mỹ chưa thông qua dự luật kiểm soát súng đạn?

Trong lịch sử, nước Mỹ từng rúng động với hàng loạt vụ xả súng điên cuồng. Với vụ xả súng mới nhất ở Parkland, nước Mỹ phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018 (trong 18 vụ nói trên có 8 vụ không gây thương vong, 2 vụ nhằm tự tử và số còn lại là các vụ tấn công). Giờ đây, cuộc tranh cãi về luật sở hữu súng đạn tiếp tục gây chia rẽ đời sống chính trị và xã hội nước Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thể thông qua dự luật kiểm soát súng đạn. Vì sao như vậy?

Đó là do những trở ngại chính trị. Mặc dù thăm dò của Quinnipiac cho thấy, 97% người Mỹ ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu súng sau vụ việc ở Parkland, mọi việc rồi sẽ lắng xuống trong những tuần tiếp theo. Trong dấu hiệu cho thấy thảm kịch thường không làm đảo lộn các cuộc tranh luận về vũ khí trong xã hội Mỹ, nghị viện ở Florida đã bỏ phiếu chống lại lệnh cấm súng trường AR-15, các vũ khí sát thương. Năm 2012, khi quốc gia này bị chấn thương sau cuộc thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, Tổng thống Barack Obama đưa ra một kế hoạch đẩy mạnh kiểm soát súng.

Tuy nhiên, cuối cùng, ngay cả một biện pháp thắt chặt kiểm tra nền cơ bản cũng thất bại tại Thượng viện, giữa sự phản đối của đảng Cộng hòa và Dân chủ trong các tiểu bang bảo thủ. Tổng thống Obama đã thật sự nổi giận trước sự thất bại này nhưng sau đó đã nói rằng: “Đó là một sự lựa chọn chính trị mà chúng tôi cần làm... và chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước những gia đình mất người thân vì chúng tôi đã không hành động”.

Đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà Tổng thống Trump phải đối mặt. Câu hỏi đặt ra là khoảng bao lâu thì động lực cho cải cách sẽ chiếm lĩnh sân khấu chính trị ở Washington - và tổng thống thực sự chuẩn bị gì để hành động.

KHẢ ANH