Ông Trump và cái nhìn từ Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Tỷ phú Donald Trump đã nắm chắc chiếc vé trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Có lẽ, đối với phần còn lại của thế giới, kết quả này giống như chương trình thực tế sân khấu tuyệt vời nhất mà Mỹ từng sản xuất: một ứng viên tổng thống không thể tưởng tượng đang dần trở thành hiện thực. Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả này khiến Trung Quốc lo ngại nhất bởi đây là quốc gia nằm trong danh sách chủ yếu mà ông Trump tập trung chỉ trích để lấy lòng cử tri Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng, quan điểm của ông Trump về vai trò lãnh đạo của Mỹ lại giúp mở ra cánh cửa cho Bắc Kinh.
Ông Donald Trump hiện được cho là có thể đánh bại bà Hillary Clinton |
Thương mại
Có thể thấy, ngay từ trong giai đoạn tranh cử đầu tiên, ông Trump đã ưu tiên đặt ra quan điểm chính sách liên quan đến Trung Quốc.
Trên trang mạng tranh cử của mình, ông Trump dành nguyên 1 trang cho “cải cách thương mại Mỹ-Trung”. Mục tiêu cuối cùng của chính sách thương mại này là mang lại hàng triệu việc làm trở lại Mỹ sau khi ông cáo buộc Bắc Kinh “ăn cắp việc làm của người Mỹ”. Ông cũng nổi tiếng với đề nghị tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc lên đến 45% lần đầu tiên dùng từ “cưỡng bức” để nói về các chính sách của Bắc Kinh trong mối quan hệ thương mại song phương.
Tuy nhiên, ông cũng cam kết có những chính sách thương mại khác, vốn có khả năng đem lại lợi ích cho Bắc Kinh. Đầu tiên, ông tuyên bố sẽ bác bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tự do thương mại mà Mỹ đã ký với 11 quốc gia, song không bao gồm Trung Quốc. TPP được coi là hợp đồng độc quyền để ngăn Trung Quốc hưởng lợi từ việc giảm thuế mới và tiếp cận thị trường ưu đãi với các thành viên TPP. Thứ hai, ông chỉ trích việc các Cty Mỹ chuyển nhà máy sản xuất và các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc – nơi được mệnh danh là công xưởng lớn nhất thế giới.
An ninh
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ New York Times, ông Trump không đặt nặng chính sách tái xoay trục Châu Á giống như đối thủ Hillary Clinton.
Thật ngạc nhiên, ông Trump tỏ rõ không ưa thích Nhật - đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Châu Á. Vị ứng viên tổng thống sáng giá này cũng nói rất rõ ràng, ông không muốn tiếp tục cung cấp bảo vệ an ninh cho Nhật- Hàn miễn phí nữa và khẳng định, “Mỹ thà rút quân khỏi Châu Á còn hơn”. Khi được hỏi về vai trò của Mỹ ở biển Đông, vị tỷ phú này dường như không mấy quan tâm đến việc tăng cường sự hiện diện quân sự để cân bằng yêu sách lãnh thổ quá vô lý của Trung Quốc.
Nhưng việc Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ những khoảng trống quyền lực còn lại của Mỹ vẫn chưa chắc chắn. Thứ nhất, đó là trách nhiệm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên - vốn là vấn đề gây đau đầu kinh niên đối với Trung Quốc - sẽ rơi hoàn toàn vào tay Bắc Kinh. Thứ hai, ông Trump có thể sẽ đồng ý để Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân – điều mà Bắc Kinh lo sợ. Thứ ba, việc Mỹ rút khỏi NATO sẽ gây mất ổn định Châu Âu – nơi Trung Quốc đang nỗ lực đầu tư kinh tế và gia tăng ảnh hưởng.
Vị thế lãnh đạo toàn cầu
Khái niệm cốt lõi của chính sách “biệt lập” của ông Trump là không để Mỹ trở thành “cảnh sát của thế giới” mà tập trung vào các vấn đề trong nước. Nếu ông Trump đắc cử tổng thống, nước Mỹ có thể sẽ giảm các cam kết về vai trò lãnh đạo trong hệ thống LHQ.
Trong khi đó, Trung Quốc đi theo hướng ngược lại. Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc cam kết sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc nắm quyền lãnh đạo trên toàn cầu trong khuôn khổ của LHQ. Trung Quốc hiện là quốc gia đóng góp tài chính lớn thứ 3 cho LHQ và đang lên kế hoạch tiếp theo nhằm tăng cường đóng góp cho ngân sách thường xuyên của tổ chức này.
Nhìn vào cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo toàn cầu từ một ý nghĩa rộng hơn, xu hướng “biệt lập” và hình ảnh gây tranh cãi của ông Trump có thể đe dọa quyền lực mềm và ngoại giao công chúng của Mỹ. Rõ ràng, nếu nước Mỹ thời Donald Trump muốn đóng cửa lại, Trung Quốc đã sẵn sàng để thế chân.
Khả Anh