Ông Trump và quyền lực từ “vali hạt nhân”

Thứ bảy, 19/11/2016 11:12

(Cadn.com.vn) - Bắt đầu từ ngày 20-1-2017, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bắt đầu nắm trong tay chìa khóa “vali hạt nhân”, và có quyền quyết định sẽ điều khiển nó như thế nào.

Cũng giống như những người tiền nhiệm của ông, cho dù ở Nhà Trắng, trong đoàn xe hộ tống, hay trên chuyên cơ Air Force One, luôn có một sĩ quan kề cận mang theo chiếc vali hạt nhân này đi kè kè ông Trump. “Bạn phải sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào”, Pete Metzger, người giữ vali hạt nhân trong thời kỳ Tổng thống Ronald Reagan cho biết. “Thời gian là rất ngắn ngủi giữa cảnh báo và việc thực hiện”.

Người biểu tình phản đối Tổng thống đắc cử Trump ở Chicago, Illinois. Ảnh: Reuters

15 phút quyết định

Ông Trump, cũng giống như những người tiền nhiệm khác chỉ có khoảng 15 phút trong trường hợp khẩn cấp để nhận thông báo của các phụ tá quân sự và đưa ra quyết định về việc có kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân hay không. “Ông Donald Trump có khả năng không bị trói buộc trong việc kích hoạt cuộc chiến tranh hạt nhân”, CNN dẫn lời chuyên gia Joseph Cirincione tại Quỹ Ploughshares, một tổ chức chống vũ khí hạt nhân nhận định.

Vali hạt nhân ra đời trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khi Tổng thống John Kennedy nghi ngờ về khả năng kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của mình với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao. Ngoài ra, ông Kennedy mong muốn có thể ban hành lệnh tấn công lúc khẩn cấp mà không cần phải có mặt tại trung tâm điều hành. Kể từ thời điểm đó, chiếc vali này trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm lớn lao của người chủ Nhà Trắng.

Vậy chiếc vali này có sức mạnh như thế nào? Nói chung, thành phần và nguyên tắc hoạt động của nó luôn là bí mật nhưng vẫn có thể nắm được một số chi tiết. Theo một cựu giám đốc Văn phòng quân sự Nhà Trắng Bill Gulley, bên trong chiếc vali hạt nhân Mỹ không có bất cứ một nút bấm kích hoạt nào mà chỉ có 4 thứ ở bên trong: một cuốn sách đen ghi những phương án sơ lược của kế hoạch đòn đánh hạt nhân; mã xác thực để tổng thống để xác nhận danh tính; danh sách các hầm trú ẩn an toàn nơi mà tổng thống có thể được bảo vệ và máy phát sóng vệ tinh.

Các thiết bị và giấy tờ này được tổng thống sử dụng để quyết định xác nhận lệnh và khởi động một cuộc tấn công.

Có “giao trứng cho ác”?

Không phải ai cũng thấy thoải mái với viễn cảnh ông Trump sẽ nắm quyền điều hành chiếc vali này. “Làm thế nào mà các bạn có thể tin tưởng để trao mã hạt nhân cho ông ấy (ông Trump)?”, Tổng thống đương nhiệm Obama từng nói như vậy tại một cuộc mít-tinh ở Durham, Bắc Carolina. “Các bạn không thể làm điều đó”, ông Obama nói thêm.

Bruce Blair, cựu sĩ quan tên lửa hạt nhân vốn ủng hộ bà Clinton, nói rằng, mối lo ngại về ông Trump càng gia tăng khi ông Trump chứng tỏ cho thấy bản thân là một người dễ nổi nóng, bảo thủ và dễ bị đả kích. Giới chuyên gia quân sự cũng lo ngại, nếu một cuộc khủng hoảng hạt nhân phát sinh, tính cách thất thường và không ổn định của ông Trump khiến cho nhiều người lo ngại ông sẽ khó có được những quyết định đúng đắn. “Tổng thống có quyền tối thượng để quyết định xem có sử dụng vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó hay không. Khi ông Trump lên nắm quyền, đó là một điều lo ngại”, một chuyên gia nói. Thực tế cho thấy, khi tranh cử, ông Trump không ít lần ngụ ý sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Metzger có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng, thông thường, tất cả các tổng thống đều nghiêm túc với trọng trách giữ mã hạt nhân.

Khả Anh