Ông Trump và sức mạnh của các ông lớn công nghệ
Sau cuộc bạo động ở Tòa nhà Quốc hội, quyết định cấm vĩnh viễn tài khoản Tổng thống Trump của Facebook, Twitter nhận được đồng tình ở nước này. Nhưng theo giới phân tích, động thái này một lần nữa cho thấy sức mạnh chưa được kiểm soát của các ông lớn công nghệ.
Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản @realDonaldTrump (ảnh nhỏ) của Tổng thống Trump sau cuộc bạo động Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Reuters |
Sức mạnh của "Big Tech"
Sức mạnh của "Big Tech" (Gã khổng lồ công nghệ) đang được thể hiện rõ trong thời điểm này, ngay tại nước Mỹ. Tại Mỹ, nhiều người dùng Internet đã đăng nhập vào mạng xã hội gây tranh cãi Parler để xem chuyện gì sẽ xảy ra sau 11 giờ 59 (giờ Mỹ). Đó là thời hạn mà Amazon đưa ra để ứng dụng này phải tìm kiếm một dịch vụ lưu trữ mới trước khi Parler bị loại vì nền tảng này bị cáo buộc chứa nội dung bạo động.
Trong bài viết mới nhất của mình, BBC cho rằng, đây được xem là một thời điểm trọng đại trong những nỗ lực không ngừng của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ nhằm “trục xuất” Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump và một số người ủng hộ cực đoan của ông khỏi nền tảng của mình sau cuộc bạo động ở Đồi Capitol vào tuần trước. Khi Facebook và Twitter cấm người dùng và các nhóm ủng hộ bạo loạn tại Đồi Capitol tuần trước, lượt tải của ứng dụng khác là Parler tăng lên. Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn việc tổ chức các hành vi tương tự, Google và Apple đã gỡ Parler khỏi các chợ ứng dụng, trong khi Amazon đóng cửa dịch vụ web của Parler. Giờ đây, Parler, một ứng dụng đang tăng trưởng nhanh chóng và được một số người coi là ứng dụng thay thế cho Twitter, đã không còn nữa.
CEO Parler John Matze khẳng định sẽ không khuất phục. Parler có thể và có khả năng sẽ tìm được nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ mới nhưng mất Amazon Web Services (AWS) - nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trang web lớn nhất thế giới - đồng nghĩa là các nhà cung cấp lớn khác cũng sẽ có khả năng từ chối hoạt động kinh doanh của họ.
Không phải là chưa có tiền lệ
Trong thời đại công nghệ hiện nay, dưới áp lực từ các nhà lập pháp và thậm chí nhân viên, Big Tech nhận ra quyền lực và trách nhiệm mà họ phải gánh đối với các cuộc thảo luận công khai trên mạng, bao gồm cả trên ứng dụng họ không tạo ra.
BBC dẫn lời nhà nghiên cứu công nghệ Stephanie Hare nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên một Cty công nghệ lớn của Mỹ gỡ một trang web vì những lý do tương tự. "Hành động của Amazon nhằm vào Parler không phải là chưa có tiền lệ”, bà nói. Gab, một trang web khác tự gọi mình là nền tảng tự do ngôn luận nhưng bị cáo buộc là “nơi trú ẩn” của những kẻ cực hữu và cực đoan, cũng bị cấm trên các kho ứng dụng. Năm 2018, Gab bị nhà cung cấp dịch vụ thanh toán PayPal và nhà cung cấp tên miền GoDaddy cấm sau vụ xả súng giết hại 11 người tại một giáo đường Do Thái.
Và như một phần của chiến dịch truy quét các tài khoản liên quan đến cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội, Twitter cũng đã thông báo họ đã khóa "hơn 70.000 tài khoản" có liên quan đến thuyết âm mưu QAnon. Trong khi đó, Facebook nói rằng, họ đang xóa tất cả nội dung đề cập đến "Stop the Steal" (Ngừng đánh cắp bầu cử) - khẩu hiệu liên can đến những tuyên bố không có cơ sở của ông Trump rằng cuộc bầu cử tháng 11 đã bị gian lận.
Lệnh cấm đáng lo ngại?
Động thái gần đây của Facebook và Twitter như cấm vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay cấm Parler của Google, Apple nhận được sự ủng hộ của chính trị gia và các nhà phê bình. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao phải mất quá lâu họ mới ra quyết định như vậy.
Bên cạnh đó, nó còn làm dấy lên nhiều lo ngại. Nhiều người cho rằng, điều chưa từng có tiền lệ là cách tiếp cận này được dùng để chống lại tổng thống. YouTube đã xóa một số video của ông Trump nhưng nói rằng kênh của ông vẫn đang hoạt động hiệu quả trong một cơ hội cuối cùng. Các nhà lãnh đạo Châu Âu, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, mô tả là động thái này "đáng lo ngại". Ủy viên Liên minh Châu Âu (EU), Thierry Breton, đã mô tả các sự kiện ở Đồi Capitol là “vụ 11-9 của mạng xã hội”, và viết trên Politico rằng, “việc một CEO có thể cấm túc Tổng thống Mỹ mà không có sự kiểm chứng nào là điều gây bối rối”. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói các mạng xã hội hiện đang "đưa ra các quyết định về nội dung", đồng thời nói thêm rằng các nền tảng đang "chọn ai nên và không nên được lên tiếng".
BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng, thực tế là, mạng xã hội là các Cty tư nhân. Cũng giống như một câu lạc bộ thành viên riêng có thể đưa ra các quy tắc chung cho các thành viên của mình, những người như Mark Zuckerberg của Facebook hay Jack Dorsey, người sáng lập Twitter cũng vậy. Cho đến nay, một trong những quy tắc chính được áp đặt là xét nội dung của các chính trị gia quan trọng trong những tiếp xúc với người dân
Ông Trump thề sẽ trả đũa
Những nền tảng gồm Facebook và Twitter nói rằng, do đó, họ sẽ cho những người dùng tầm cỡ như Tổng thống Mỹ có sự linh động liên quan đến việc vi phạm chính sách người dùng. Nhưng kể từ khi đại dịch Covid-18 khởi phát, mọi thứ đã thay đổi đáng kể và các Cty đã tăng hành động nhắm vào các nhà lãnh đạo thế giới. Hồi tháng 3, Facebook và Twitter đã xóa các bài đăng của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro vì thông tin sai lệch về Covid-19.
Mãi tận đến tháng 5, Twitter mới có hành động tương tự nhắm vào Tổng thống Mỹ khi những người điều phối đưa ra cảnh báo sau khi họ nói, đó là hành động tán dương bạo lực. Tổng thống Trump đã viết trên Twitter về các cuộc biểu tình bùng nổ bạo động ở Mỹ với tên gọi là “Black Lives Matter” nói rằng: "Khi cướp bóc bắt đầu, nổ súng cũng sẽ bắt đầu". Nhà bình luận Matt Navarra nói rằng lệnh cấm nhằm vào ông Trump đặt ra "tiền lệ then chốt" trong cách các nền tảng kiểm soát ai có thể sử dụng chúng và những gì người dùng có thể đăng.
Một số nhà phân tích cho rằng, hành động này có thể là một bước ngoặt cho việc kiểm duyệt công nghệ trên toàn thế giới. Trong tuyên bố cuối cùng trên Twitter, ông Trump nói rằng ông đang đàm phán với "nhiều trang web khác" và sẽ sớm có "một thông báo quan trọng".
THANH VĂN