Ông Trump và "thành quả" hòa bình Israel - UAE
Lần đầu tiên sau hơn 1/4 thế kỷ, một Tổng thống Mỹ sẽ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Nhà Trắng, xem đây là một “bước đột phá lịch sử” trong khu vực lâu nay được biết đến với những xung đột dai dẳng.
Người Palestine xuống đường biểu tình phản đối thỏa thuận hòa bình giữa UAE và Israel. Ảnh: AP |
Nhưng trong khi quang cảnh của sự kiện này, diễn ra ngày 15-9 (giờ Mỹ) gợi lên những thỏa thuận đột phá đã chấm dứt hàng thập kỷ chiến tranh giữa Israel với các nước láng giềng Ai Cập và Jordan, đồng thời khởi động tiến trình hòa bình với người Palestine, thực tế lại hoàn toàn khác. Israel và UAE ngày 13-8 đạt được một thỏa thuận hòa bình lịch sử với sự trung gian của ông Trump, qua đó bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Đây chính là một thắng lợi cho ông Trump trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Thỏa thuận mới với tên gọi Hiệp ước Abraham và là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Thỏa thuận này củng cố một liên minh không chính thức chống lại Iran và có thể mở đường cho UAE có được vũ khí tiên tiến của Mỹ, đồng thời khiến cuộc xung đột giữa Israel và Palestine trở nên khó chữa lành hơn bao giờ hết.
Nhưng điều đó cũng không thể ngăn Tổng thống Donald Trump đề cập đến thỏa thuận UAE, được công bố vào tháng trước, như báo trước một “sự chuyển đổi khu vực không thể tưởng tượng trước đây”. Một thỏa thuận tương tự được công bố hồi cuối tuần trước với Bahrain, trong đó chào đón một Bộ trưởng Nội các Israel lần đầu tiên đến thăm nước này kể từ năm 1994, đánh dấu chính thức hóa các mối quan hệ lâu đời. Vương quốc Bahrain trở thành quốc gia Arab thứ hai, chỉ trong 1 tháng (sau UAE), tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel, bất chấp những phản đối của Palestine. Thỏa thuận với Bahrain làm dấy lên khả năng Saudi Arabia – quốc gia giàu mạnh trong thế giới Arab cũng sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel.
Nhưng vẫn còn tranh cãi liệu các hiệp định như thế này, giữa các quốc gia vốn đã thân thiện, có tác dụng gì nhiều để thúc đẩy hòa bình khu vực. Xung đột chính của khu vực là việc Israel và các nước Arab Vùng Vịnh chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ. Về lâu dài, nhiều người tin rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của Israel với tư cách là một quốc gia dân chủ và đa số là người Do Thái là cuộc xung đột với người Palestine.
Chính quyền Trump hy vọng, khi nhiều quốc gia Arab bình thường hóa quan hệ với Israel, điều đó sẽ gây áp lực buộc người Palestine quay trở lại các cuộc đàm phán hòa bình, vốn đã bị đóng băng hơn một thập kỷ trước. Trong 3 năm qua, ông Trump cắt viện trợ cho người Palestine, công nhận Jerusalem đang tranh chấp là thủ đô của Israel, loại bỏ sự phản đối lâu đời của Mỹ đối với các khu định cư của Israel và đưa ra một kế hoạch hòa bình Trung Đông ủng hộ Israel. Nhưng thay vì khiến các nhà lãnh đạo Palestine phải phục tùng, những động thái đó chỉ khiến họ càng thách thức hơn. Tổng thống Mahmoud Abbas đã chính thức cắt đứt mọi quan hệ với Israel và Mỹ vào tháng 5 và nói rằng người Palestine sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ thỏa thuận nào trong quá khứ. Người Palestine đã bác bỏ các thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Israel với UAE và Bahrain, coi đó là sự phản bội chính nghĩa của họ và khẳng định không quốc gia nào khác có quyền thương lượng thay cho họ.
Trong hơn 3 thập kỷ, người Palestine đã tìm kiếm một nhà nước độc lập ở đông Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza, những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967 với các quốc gia Arab. Israel đã rút khỏi Gaza vào năm 2005 nhưng áp đặt lệnh phong tỏa sau khi nhóm chiến binh Hamas nắm quyền 2 năm sau đó. Kế hoạch của Tổng thống Trump sẽ cho phép Israel sáp nhập tới 30% diện tích Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm tất cả các khu định cư Do Thái xa xôi của họ. Người Palestine sẽ bị bỏ lại với các khu đất rải rác được bao quanh bởi Israel, quốc gia sẽ có quyền kiểm soát an ninh tổng thể.
KHẢ ANH