Ông Widodo - "người chiến thắng" trong cuộc bầu cử Indonesia

Thứ bảy, 20/04/2019 12:26

2 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong tuần này tại Indonesia, tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng Eka Kurniawan cho rằng, "người Hồi giáo đã chiến thắng". Dù chưa có kết quả chính thức, nhưng kết quả sơ bộ cho thấy, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo thực sự là người chiến thắng và sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 5 năm thứ hai.

Tổng thống Indonesia đương nhiệm Joko Widodo phát biểu với truyền thông về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống, trong cuộc họp báo tại Jakarta hôm 18-4.   Ảnh: Reuters

Cam kết của ông Widodo đối với chủ nghĩa đa nguyên ở quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, có thể đã giúp ông giành chiến thắng sít sao trong cuộc đua. Nhưng Indonesia mà ông Widodo lãnh đạo giờ đây đang bị phân cực về tôn giáo, và ông sẽ phải nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của các nhóm Hồi giáo ủng hộ ông trong khi phải chống lại những người Hồi giáo cứng rắn. "Điều đó không có nghĩa là Indonesia sẽ biến thành Saudi Arabia hoặc nước này sẽ tiến thẳng đến việc cắt cụt tay những ai phạm tội trộm cắp", ông Sukarsono nói thêm.

Trong khi gần 90% người Indonesia theo đạo Hồi, đất nước này cũng là nơi sinh sống của những người theo đạo Hindu, Kitô giáo, Phật giáo và các nhóm thiểu số khác. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại truyền thống khoan dung tôn giáo của Indonesia hiện đang gặp nguy hiểm, khi những diễn giải bảo thủ về đạo Hồi trở nên phổ biến hơn. Điều này thể hiện ở việc luật sharia đang được áp dụng phổ biến hơn khi ngày càng có nhiều phụ nữ che đầu hoặc đeo mạng che mặt ở nơi công cộng.

Chính trị chia rẽ hơn

Đối thủ của ông Widodo, cựu tướng quân đội Mitchowo Subianto, đã thách thức đương kim tổng thống bằng cách củng cố một liên minh với các nhóm Hồi giáo cứng rắn và các đảng tôn giáo có xu hướng này.

Kết quả không chính thức cho thấy, không chỉ tiếp tục nhận được sự ủng hộ ở các thành phố bảo thủ như Aceh, Tây Java và Tây Sumatra, ông Subianto đã giành thêm chiến thắng ở 4 tỉnh từng ủng hộ ông Widodo trong cuộc bầu cử năm 2014. Những tỉnh này được coi là một trong những nơi bảo thủ nhất vì họ đã đưa ra các luật lệ dựa trên luật sharia với hơn 97% dân số là người Hồi giáo. Ông Subianto đã giành chiến thắng tại ít nhất 13 trên tổng số 34 tỉnh trong cuộc bầu cử hôm 17-4 Các nhà phân tích cho rằng, sự chia rẽ đang thể hiện rõ ràng. 

Ông Subianto đã cáo buộc tình trạng gian lận bầu cử trên diện rộng và dọa sẽ tranh cãi về kết quả. Nhiều giáo sĩ và nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn ủng hộ ông cũng chính là những người đã dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ trong năm 2016 và 2017 phản đối thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama, một người theo đạo Kitô và từng là một đồng minh thân cận của tổng thống Widodo. Ông Widodo đã xa lánh ông Purnama, người bị bỏ tù vì tội báng bổ. Ông cũng phát động một chiến dịch có hệ thống nhằm thu hút tổ chức Hồi giáo ôn hòa lớn nhất đất nước, Nahdlatul Ulama (NU), và cũng như thu hút các cử tri Hồi giáo bằng cách xuất hiện trong có vẻ "Hồi giáo" hơn.

Chiến thắng cho Hồi giáo ôn hòa

Nhưng tổng thống đã gây sốc cho những người ủng hộ Hồi giáo ôn hòa và tiến bộ hơn khi ông chọn ông Ma'ruf Amin làm người cùng tranh cử. Là học giả của NU, và là Chủ tịch Hội đồng Giáo sĩ Indonesia năm 2016, ông Amin  ban hành lệnh cấm người Hồi giáo tham gia lễ Giáng sinh, và lời khai của ông đã giúp kết án ông Purnama. Tuy nhiên, ông Amin đã giúp một số cử tri xóa bỏ mọi nghi ngờ về cam kết của ông Widodo đối với Hồi giáo cũng như vô hiệu hóa mối đe dọa đối với sự thế tục chính thức của Indonesia từ các nhóm chiến đấu vì một nhà nước Hồi giáo.

Một trợ lý tổng thống giấu tên cho rằng, với tư cách là Phó Tổng thống, ông Amin, một chuyên gia về tài chính Hồi giáo, được kỳ vọng sẽ "đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là về các vấn đề và chính sách tôn giáo". Nhưng người trợ lý này tự tin về khả năng của ông Widodo trong việc "xử lý" các yêu cầu của các nhóm tôn giáo, điều đã giúp ông giành chiến thắng. "Tổng thống có thể nắm lấy các lực lượng tôn giáo với tất cả nỗ lực kinh tế và xã hội, nhưng đồng thời, ông buộc phải từ chối yêu sách của họ nhằm thay đổi hệ tư tưởng thế tục của đất nước theo bất kỳ cách nào", người trợ lý  này cho biết.

Các nhóm Hồi giáo cứng rắn, đáng chú ý nhất là Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI), từng ở bên lề chính trị Indonesia, nhưng hiện nay họ ngày càng tập trung để có được tiếng nói chính trị cho những người Hồi giáo bảo thủ Indonesia. FPI và các nhóm tương tự kêu gọi xây dựng một nhà nước Hồi giáo, với luật Hồi giáo cho tất cả người Hồi giáo ở nước này. Điều đó có thể đang trở nên phổ biến với nhiều cử tri. Theo một nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm nghiên cứu Pew, 72% người Hồi giáo ủng hộ việc đưa luật sharia thành luật chính thức.

Nhưng đối với nhân vật Hồi giáo ôn hòa nổi bật và cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Widodo, bà Yenny Wahid, cuộc bầu cử dù sao cũng đại diện cho một chiến thắng của Hồi giáo ôn hòa.

AN BÌNH