OPEC trước "cơn bão" giá dầu
(Cadn.com.vn) - Với giá dầu giảm khoảng 40% trong một năm, các Bộ trưởng dầu mỏ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) một lần nữa nhóm họp tại Vienna, Áo trong tuần này để quyết định xem nên cắt giảm sản lượng hay tiếp tục "bơm" dầu thô vào thị trường đã quá dư thừa.
6 tháng trước, việc OPEC không thể đưa ra quyết định cuối cùng cho câu hỏi trên khiến họ mất gần 6 USD/thùng. Một số người cho rằng, trong thế giới thay đổi, OPEC không còn được xem là thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, Hội nghị Thượng đỉnh OPEC vẫn nhận được sự chú ý từ cả các ngành công nghiệp lẫn các phương tiện truyền thông trên toàn cầu và cuộc họp tuần này cũng không ngoại lệ. OPEC có 12 quốc gia thành viên, sở hữu hơn 80% trữ lượng dầu thế giới và sản xuất 4/10 số thùng dầu được sản xuất trên toàn cầu.
Giá dầu giảm mạnh trong 1 năm qua. Ảnh: BBC |
Hai luồng ý kiến
Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Qatar cho rằng, OPEC nên giữ mức sản xuất hiện nay để duy trì thị phần, mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ giảm xuống rất thấp. Đây là nhừng nước có đủ khả năng theo đuổi chính sách này bởi họ có thu nhập bình quân đầu người cao và các quỹ tài sản khổng lồ từ dầu.
Đối với Saudi Arabia, nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng tăng cũng là lý do để thúc đẩy sản xuất dầu. "Thực tế, đây không còn là quyết định của OPEC nữa mà là quyết định của Riyadh. Nếu một quyết định được đưa ra trong tháng 6, đó chắc chắn sẽ là ý kiến của Saudi Arabia", Paul Stevens - chuyên gia cao cấp về năng lượng tại Viện Ngoại giao Royal - cho biết.
Đối với những nước nghèo hơn bao gồm Venezuela, Iraq, Iran, Algeria, Libya, Nigeria, Angola và Ecuador, họ chủ trương cắt giảm sản lượng để tăng giá và tăng doanh thu. Những nước này phải vật lộn trong suốt 9 tháng qua để cân bằng thị trường khi giá dầu giảm dưới 100 USD/thùng. Trong nhóm này, chính sách của Iran là khác biệt hơn cả. Việc Mỹ nhanh chóng trở nên độc lập về năng lượng nhờ công nghệ mới khiến OPEC cung cấp thừa 2 triệu thùng dầu thô ra thị trường mỗi ngày. Nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng các chiến lược của Saudi Arabia nhằm giữ giá dầu ở mức thấp đủ lâu để loại dầu đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường. Các nhà quan sát cho rằng, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang dần thay thế OPEC nhờ họ khá linh động và nhạy bén với thị trường dầu mỏ.
Áp lực từ Mỹ
Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng giữa cách OPEC và các nhà sản xuất dầu đá phiến làm để cân bằng thị trường.
Vì Mỹ không phải là nhà sản xuất dầu mỏ lớn như Iran hay Saudi Arabia. "Có rất nhiều quốc gia sản xuất dầu lớn và họ còn là một phần của tổ chức lớn mạnh. Họ không chịu sự quản lý của một bộ trưởng dầu mỏ duy nhất nào và không bị điều khiển mức độ sản xuất đá phiến sét", Iman Nasseri của nhóm tư vấn năng lượng FGE nhận xét. Saudi Arabia chỉ đồng ý với quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC chỉ khi Nga - nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới - cũng làm tương tự. Nước này lo lắng, Moscow có thể giành mất thị phần bằng cách thay thế dầu của OPEC.
Cuộc họp chính thức của OPEC năm nay sẽ diễn ra vào ngày 5-6 tới. Cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày tại Hofburg Palace, Vienna sẽ là nơi Bộ trưởng dầu mỏ các nước không thuộc OPEC sánh vai với giám đốc điều hành của các Cty năng lượng hàng đầu thế giới như: Royal Dutch Shell, BP, Total, Chevron, ExxonMobil và Sinopec của Trung Quốc.
Các Bộ trưởng OPEC dự kiến sẽ phải làm việc rất nhiều với các đối tác từ Nga và các nước khác để đạt được sự phối hợp cần thiết nhằm kiềm chế sự phát triển của Mỹ. Nhưng việc này không mấy khả quan khi các nhà sản xuất dầu của Washington cũng như OPEC nằm rải rác khắp nơi và hoạt động riêng biệt.
An Bình
(Theo BBC)