Ozu Yasujiro - Một tâm hồn Nhật Bản

Thứ bảy, 17/03/2018 14:07

"Nếu ví điện ảnh như một võ đài thì hơn một thế kỷ tồn tại của điện ảnh, đã có biết bao nhiêu võ sĩ thượng đài để trổ hết tài nghệ của mình. Duy chỉ có Ozu là không thượng đài bao giờ. Ông chỉ bình thản ngồi đó như người đang tham thiền. Trong võ thuật khi đạt tới một trình độ siêu việt nào đó người võ sĩ chỉ im lặng và bất động. Nhưng sự im lặng bất động ấy lại có một sức mạnh vô song…".

Đạo diễn huyền thoại Ozu Yasujiro
 

Ozu Yasujiro  (sinh ngày 12-12-1903 - mất ngày 12-12-1963) là một đạo diễn và biên kịch của điện ảnh Nhật Bản. Trong sự nghiệp gần nửa thế kỷ gắn bó với điện ảnh, Ozu đã cho ra đời hơn 50 bộ phim bao gồm nhiều thể loại. Ông được coi là biểu tượng của nền điện ảnh Nhật Bản, nhiều tác phẩm của ông được coi là những kiệt tác của Nhật Bản nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung. Chỉ sau khi đạo diễn qua đời, tác phẩm của ông mới được giới thiệu ra thế giới và rất nhiều nhà điện ảnh quốc tế đã bày tỏ sự yêu thích và chịu ảnh hưởng từ phong cách làm phim rất riêng của Ozu.

Ở Việt Nam, trước đây, ít người biết đến Ozu, bây giờ nhờ mạng Internet, người ta dễ tìm và xem phim của ông. Những Vãn Xuân (Late Spring, 1949), Tảo xuân (Early Spring, 1956), Hoàng hôn Tokyo (Tokyo Twilight, 1957), Thu muộn (Late Autumn, 1960), Một chiều thu (An Autumn Afternoon, 1962) Câu chuyện Tokyo,... đã bắt đầu được công chúng Việt Nam biết đến. Ozu không quan tâm tới điều đó, tại ngôi mộ của ông ở thị trấn Kamakura, Kanagawa,  trên tấm bia mộ bằng đá chỉ duy nhất một chữ "Vô". Mọi thứ với ông dường như đều nhẹ nhàng, ông quan niệm: "Ở đời cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình...". Trung thành đi theo tiếng nói riêng của mình, ông để lại một sự nghiệp điện ảnh độc đáo, riêng biệt không lẫn với bất cứ ai.

Ra đời  tại Furukawa - Tokyo,  một khu phố nằm ở phía Nam của thủ đô Nhật Bản với hệ thống sông ngòi thơ mộng, Ozu có một tuổi thơ đầy ký ức với làng quê của mình. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, từ thời trung học, Ozu đã mê đắm điện ảnh. Tốt nghiệp trung học, không đỗ vào đại học, Ozu chọn nghề gõ đầu trẻ ở một làng quê hẻo lánh cách quê nhà hơn 30 cây số. Không để đời mình lãng quên tại vùng nông thôn này, 1 năm sau, nhân gia đình chuyển về Tokyo, ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp điện ảnh bằng chân giúp việc trong hãng phim Shochiku Kinema, tiền thân của hãng Shochiku sau này.

Áp phích phim Câu chuyện Tokyo với chân dung nhiều diễn viên quen thuộc của Ozu.  Từ trái qua phải, hình lớn: Higashiyama Chieko, Miyake Kuniko, Yamamura Sô, Hara Setsuko, Kagawa Kyôko, Ryu Chishu. Hình nhỏ: Osaka Shirô và Sugimura Haruko
 

   Sự nghiệp của Ozu có thể chia làm hai giai đoạn chính mà cột mốc là sự kiện  Chiến tranh thế giới thứ hai. Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, Ozu thường chỉ đảm nhiệm vị trí đạo diễn mà ít khi tham gia viết kịch bản. Cách làm phim của ông chịu ảnh hưởng nhiều từ điện ảnh phương Tây, đặc biệt là điện ảnh Mỹ, Ozu thời trẻ là người có tư tưởng chuộng các giá trị Mỹ và không thích xem những bộ phim Nhật Bản theo kiểu truyền thống, cho đến giữa thập niên 1930 ông vẫn là đạo diễn đi đầu trong xu hướng hiện đại hóa điện ảnh Nhật và là người nổi tiếng yêu thích phim Mỹ. Phim của Ozu giai đoạn này rất thời thượng với những nhân vật hiện đại theo kiểu phương Tây, ngoài dàn diễn viên Nhật thì những tác phẩm này hoàn toàn giống với những bộ phim Mỹ cùng thời kì. Dấu ấn riêng biệt tạo ra phong cách Ozu có lẽ không nằm ở giai đoạn này...

   Sau khi giật mình vì bị cám dỗ bởi các giá trị thời thượng phương Tây, Ozu thật sự trở về với chính mình bằng các phim về đề tài gia đình trong suốt giai đoạn nửa sau của cuộc đời (từ năm 1943 đến 1963).  Gia đình là đề tài hầu như duy nhất chiếm hết tâm trí Ozu. Vốn lớn lên trong cảnh gần như vắng bóng người cha, Ozu tập trung khai thác những thời khắc quan trọng của gia đình: bữa cơm, đám tang, đám cưới, những đoàn tụ, ly tán... Xuyên qua các sự kiện ấy, các thành viên gia đình: ông bà, cha mẹ, con cháu... bộc lộ những sự quan tâm, niềm vui, nỗi buồn một cách bình dị, nhẹ nhàng mà tinh tế...

Giống như Thạch Lam hay Hồ Zếnh, tác giả của những truyện không có chuyện, Ozu hướng đến những đề tài bình dị, nhẹ nhàng, ít chú trọng xung đột, kịch tính, những thứ vốn rất hay được chú ý trong phim. Mỗi một tác phẩm của Ozu là những lát cắt về cuộc sống gia đình với không gian, thời gian quen thuộc, và những câu chuyện xoay quanh những ý nghĩa hẳn thường về cuộc đời, sự chia cắt, sự cô đơn và cái chết. Ở những bộ phim thực hiện cuối đời, Ozu thường xây dựng nhân vật chính là những người đàn ông thuộc thế hệ mình với nhiều lo âu và suy tư về gia đình, về xã hội... Ông chú trọng tới cái đẹp, ý nghĩa của cuộc sống bình thường,  trân trọng những thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi một cách kín đáo, thông qua những chi tiết tưởng chừng đơn giản, vụn vặt...

Trong phim của mình, Ozu thường không sử dụng những quy tắc điện ảnh thông thường, bản thân đạo diễn từng phát biểu: "Tôi không tin rằng điện ảnh có một quy tắc" và quy tắc của ông là làm việc theo cảm xúc và cách tư duy riêng của mình. Ông được biết đến như là một đạo diễn rất cầu toàn. Từ ý tưởng, kịch bản, lựa chọn nhân vật, cách di chuyển của nhân vật trong một trường đoạn, cách thể hiện lời thoại... Những đồng nghiệp của ông cũng phải rất chăm chút cho công việc khi thường xuyên theo ông quay đi quay lại nhiều lần một cảnh quay cho đến lúc mình ưng ý nhất... Ông quan niệm, từng chi tiết nhỏ nhất trong phim cũng phải hoàn chỉnh vì đấy là cách tôn trọng người xem. Vì vậy, trên trường quay, mọi người đều thấy ông luôn luôn túc trực bên máy quay để có thể can thiệp một cách hiệu quả nhất cho từng cảnh quay trong phim của mình...

     Đặc điểm nổi bật trong phim của Ozu mà mọi người thường nhắc đến đó là  những góc quay tĩnh, thấp, với máy quay được đặt gần sát với mặt đất ngang tầm với nhân vật khi ngồi theo kiểu truyền thống Nhật Bản. Nhìn lại sự nghiệp của Ozu, người ta thấy ông đã hoàn toàn thay đổi từ cách làm chuộng các cảnh quay nhanh, chuyển động máy của thời kỳ đầu sang cách làm tĩnh, hạn chế các cú máy động để giữ sự yên lặng trong cách thể hiện của mình. Các phim ở thời kỳ sau là một nỗ lực thật sự hướng đến đời sống nội tâm của tinh thần Nhật Bản bằng những đề tài đơn giản, cách kể chuyện giản dị, tiết tấu phim chậm rãi, hoài cổ, âm nhạc trầm buồn, các góc máy tĩnh, ít, thậm chí không chuyển động, câu chuyện tự kể trong khuôn hình tĩnh được ông lựa chọn kỹ lưỡng theo cái nhìn riêng tinh tế của mình...

   Rất nhiều đạo diễn được chú ý ngay từ những phim đầu tay, Ozu ngược lại, không mấy người quan tâm đến phim của ông khi ông đang ở thời kỳ sung sức nhất. Hầu hết các phim của ông không thành công về mặt thương mại, không được mang ra nước ngoài giới thiệu hay mang đến những liên hoan phim quốc tế, đơn giản người Nhật không tin khán giả phương Tây, vốn quen với các phim thời thượng, hành động lại có thể chia sẻ, đồng cảm được với tinh thần Ozu.  Mãi đến năm 1986, nghĩa là 23 năm sau khi ông qua đời, phương Tây mới phát hiện ra Ozu, thoạt đầu là Pháp, các nước châu Âu rồi đến Mỹ... Và qua Ozu, người ta mới dần khám phá và kinh ngạc về tâm hồn bình thản và kìm nén của người Nhật cũng như mô hình của một gia đình truyền thống Nhật Bản...

Một cảnh trong film đầu tiên của Ozu  Hiton musuko.
 

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại: "Đạo diễn người Đức làm việc ở Hollywood là Wim Wenders viết về cuộc tiếp xúc lần đầu của mình với Ozu như sau: vào một buổi chiều năm 1987, ông đang đi trên một phố nhỏ ở ngoại ô NewYork thì trời đổ mưa. Ông ghé vào một hàng hiên để trú. Tình cờ quay lại nhìn sau lưng ông nhận ra mình đang đứng dưới mái hiên của một rạp chiếu bóng nhỏ. Trong lúc chờ mưa tạnh ông mua vé vào xem phim. Bộ phim ông xem hôm đó là Chuyến đi Tokyo.

Xem xong phim, ông trở ra đứng dưới hàng hiên và... khóc. Ông khóc vì nhận ra rằng những gì ông vừa nhìn thấy trên màn ảnh hôm đó mới thật sự là điện ảnh... (Nên nhớ rằng Wim Wenders lúc đó đã là một đạo diễn thành danh với những phim như The state of things - giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venise 1982; Paris, Texas - giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes 1984)".

 Đạo diễn nổi tiếng người Pháp Franois Truffaut nhận xét rằng: "Tôi chưa từng được xem bộ phim Nhật nào có được vẻ đẹp lạ thường như phim của Ozu. Điện ảnh của ông ấy mang tính Nhật Bản một cách hết sức sâu sắc".

 Đạo diễn Vinh Sơn, tác giả của "Trăng nơi đáy giếng" người được xem là chịu ảnh hưởng bởi Ozu nhận xét: "Tôi rất thích dòng phim miêu tả cuộc sống của người bình dân Nhật, thoát ra những thể loại khác như kinh dị, khiêu dâm... Đầu tàu của thể loại này là phim của Ozu Yasujiro. Ông miêu tả những chuyện bình thường, xung đột nhẹ nhàng nhưng rất tinh tế. Và cái tinh tế của phong cách này cũng là... đến tột cùng. Và nó cũng đòi hỏi trình độ cảm thụ tương ứng của người xem.

Trong những liên hoan phim quốc tế mà tôi từng tham gia, có dịp trò chuyện với những nhà làm phim chuyên nghiệp, hỏi 10 người (kể cả đến từ Châu Âu, Mỹ, Phi...) thì đã hết 9 người đều coi Ozu là một phong cách, và cả 9 người đó đều nói đó là phong cách mình thích nhất...".

Khán giả thường coi Ozu không đa dạng vì cứ làm đi làm lại một số chủ đề. Để đáp lại chỉ trích này, Ozu ví mình với một người chuyên làm đậu phụ. Một năm trước khi qua đời, Ozu phát biểu: "Tôi luôn nói rằng mình như một người bán đậu phụ và chỉ biết làm đậu phụ. Ngay cả khi chúng có vẻ giống nhau trong mắt người khác, các bộ phim của tôi cũng biểu lộ những điều hoàn toàn khác nhau và tôi luôn tìm được ở đó sự hứng thú tươi mới. Việc tôi làm giống hệt như một họa sĩ luôn tìm cách vẽ một bông hoa hồng duy nhất".

TRƯƠNG VŨ QUỲNH