Pakistan đang tụt hậu trong cuộc đua vào vũ trụ
Trong bối cảnh chương trình vũ trụ của Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, Pakistan cần suy nghĩ lại chiến lược phát triển lĩnh vực vũ trụ của nước này.
Tàu phóng vệ tinh được phóng từ Trung tâm Không gian Satish Dhawan ở Sriharikota, Ấn Độ ngày 15-2-2017. Ảnh: Diplomat |
Chương trình vũ trụ của Ấn Độ đang phát triển mạnh và New Delhi là một trong những nước phát triển nhanh nhất trên thế giới. Với sự thành công trong sứ mệnh chinh phục Sao Hỏa và nhiều lần phóng vệ tinh trong những năm gần đây, Ấn Độ đang nổi lên là nhà chinh phục vũ trụ mới.
Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) hiện đang cạnh tranh với các nước như Đức, Hàn, Nhật và Pháp trong việc phóng và đưa các vệ tinh vào vũ trụ. Ngay cả những Cty lớn như Google cũng sử dụng tên lửa của ISRO để phóng vệ tinh. Điều này sẽ giúp New Delhi phát triển kinh tế, tạo bước đột phá trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này. Morgan Stanley dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ, trị giá khoảng 350 tỷ USD hiện nay, sẽ tăng lên 11 nghìn tỷ USD vào năm 2040.
Thành công vượt bậc của Ấn Độ
Tháng 6-2016, ISRO phóng thành công 20 vệ tinh trong một lần phóng duy nhất, vào tháng 2-2017, tổ chức này phóng 104 vệ tinh trên cùng một tên lửa, lập kỷ lục thế giới. ISRO phóng tên lửa nặng nhất Geosynchronous Satellite Launch Vehicle-Mark III (GSLV-Mk III) vào ngày 5-6-2017 đưa một vệ tinh truyền thông GSAT-19 vào quỹ đạo. Với thành tựu này, ISRO có thể phóng đi các vệ tinh khổng lồ, nặng 4 tấn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng phóng thành công tàu vũ trụ lên sao Hỏa vào tháng 11-2013 và tháng 9-2014, tàu thăm dò vũ trụ bắt đầu quay quanh sao Hỏa.
Sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ trong lĩnh vực vũ trụ khiến Pakistan lo lắng. Sự trỗi dậy của New Delhi ảnh hưởng đến các lợi ích của Islamabad. ISRO chủ yếu phóng vệ tinh thương mại, như vệ tinh thời tiết, chuyển hướng không gian và truyền thông. Tuy nhiên, các nhà chức trách Pakistan cần được báo động bởi tính đa năng của các vệ tinh này. Mạng lưới vệ tinh cung cấp cho Ấn Độ lợi thế về mặt công nghệ ngay trên mặt đất và, trong trường hợp chiến tranh, có thể dễ dàng khai thác vì lợi ích chiến lược và chiến thuật. Với vô vàn các vệ tinh, Ấn Độ có thể theo dõi khu vực biên giới thông qua những hình ảnh có độ phân giải cao, thu thập thông tin, chuyển hướng và truyền thông quân sự, qua đó có thể vô hiệu hóa các biện pháp phòng thủ của Pakistan. Các vệ tinh này cũng sẽ giúp Ấn Độ phát triển các hệ thống cảnh báo sớm được thiết kế đặc biệt để phát hiện các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong các giai đoạn bay khác nhau hoặc các tên lửa đạn đạo/hành trình.
ISRO hoạt động song song với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) cùng với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDS). Cả hai tổ chức chịu trách nhiệm cho sự phát triển của công nghệ mới nổi và quốc phòng, bao gồm cả các chương trình tên lửa, mặt đất, không khí, và vũ khí biển, khả năng tác chiến điện tử và mạng… Một ví dụ về quan hệ đối tác giữa 3 tổ chức này là việc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni V có khả năng đánh các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 5.000 km. Thêm vào đó, Ấn Độ cũng đang thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh.
Chương trình vũ trụ của Pakistan
Ủy ban Nghiên cứu Khí quyển và Vũ trụ Pakistan (SUPARCO) được thành lập trước cơ quan vũ trụ của Ấn Độ hơn 8 năm. Tuy nhiên, hiện nay, SUPARCO bị tụt hậu trên tất cả những tiến bộ kỹ thuật trong khi ISRO lại phát triển mạnh mẽ.
Do thiếu nguồn lực, các rào cản, và quản lý kém, chương trình vũ trụ của Pakistan, đặc biệt là các hoạt động thương mại trong thăm dò vũ trụ, suy giảm đáng kể. Đã có một số thành công đáng khen ngợi đối với các ứng dụng quân sự, như việc phát triển các tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn lên tầm trung, song những thành tựu này không bao gồm hầu hết các khía cạnh khác trong dự án vũ trụ của Pakistan. Islamabad có thể sẽ mất nhiều thập kỷ để đạt được khả năng chống vệ tinh (ASAT), điều cần thiết để thách thức lợi thế vệ tinh của Ấn Độ.
Trong khi đó, chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách (cả quân sự và dân sự) đều ít quan tâm đến việc thúc đẩy chương trình vũ trụ thương mại của Pakistan và có rất ít trường học, trường đại học hoặc các viện nghiên cứu tập trung vào chủ đề này. Các đề tài nghiên cứu về vũ trụ đều bị bỏ rơi; không có bài diễn thuyết quốc gia, tranh luận, hoặc thảo luận trong giới chuyên gia về việc xây dựng một chương trình vũ trụ mạnh và có tiềm năng. Tình cảnh này khiến Pakistan tiếp tục tụt lại phía sau Ấn Độ.
Trang mạng của SUPARCO là bằng chứng về việc Pakistan không kiểm soát chương trình vũ trụ. Trang mạng chứa rất ít thông tin liên quan đến chính sách vũ trụ hoặc tầm nhìn của Pakistan. Sự thờ ơ như vậy đối với lĩnh vực vô cùng quan trọng như vũ trụ là rất nguy hiểm. Pakistan phải phát triển chương trình vũ trụ, đặc biệt là trong bối cảnh Ấn Độ đang hồi sinh mạnh mẽ lĩnh vực này. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo Pakistan dành sự chú ý đặc biệt đối với SUPARCO.
AN BÌNH
(Theo Diplomat)