Pakistan đào sâu căng thẳng với Afghanistan

Thứ ba, 28/03/2017 08:33

(Cadn.com.vn) - Pakistan bắt đầu xây dựng hàng rào trên đường biên giới dài 2.500km với Afghanistan để ngăn chặn các hoạt động xuyên biên giới của phiến quân, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa hai nước.

Tư lệnh lục quân Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa cho biết, hàng rào ban đầu sẽ tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao ở Bajaur và Mohmand thuộc các khu vực Bộ lạc do Liên bang quản lý (FAT), các tỉnh Nangarhar và Kunar ở phía đông Afghanistan. “Các phương tiện giám sát bổ sung cũng đang được triển khai dọc theo biên giới bên cạnh việc thường xuyên giám sát trên không”, ông Bajwa cho biết.

Hệ lụy cho Pakistan

Quan hệ Kabul-Islamabad căng thẳng trong những năm gần đây, khi cả hai nước cáo buộc nhau không nỗ lực giải quyết vấn đề phiến quân Taliban tại Pakistan và Afghanistan. Kabul cáo buộc Islamabad nhắm mắt làm ngơ với các chỉ huy Taliban trên đất của họ và thậm chí ủng hộ nhóm phiến quân này, cáo buộc mà Islamabad luôn phủ nhận. Pakistan cho rằng, các phần tử Taliban tại Afghanistan thực hiện hàng loạt vụ tấn công tại nước này trong vài tháng gần đây khiến khoảng 100 người thiệt mạng và 500 người khác bị thương, thúc giục Kabul loại bỏ “khu bảo tồn” các phiến quân.

Pakistan từ lâu đã có tham vọng phong tỏa biên giới, phần lớn là khu vực núi non không được kiểm soát. Năm 2007, quân đội Pakistan đã rào một đoạn biên giới dài 35km tại khu vực Bắc Waziristan để ngăn phiến quân vượt qua địa hình gồ ghề vào nước này. Nỗ lực hiện diện thường trực hơn trên biên giới tranh chấp khiến Afghanistan giận dữ. Năm ngoái, nỗ lực xây dựng rào chắn tại cửa khẩu Torkham của Islamabad kết thúc bằng những cuộc giao tranh xuyên biên giới.

Pakistan hồi đầu tháng này tạm thời đóng cửa các điểm chính dọc theo biên giới hai nước. Dường như các nhà chức trách Pakistan không tính đến những hậu quả tiêu cực dài hạn của việc thường xuyên đóng cửa biên giới với Afghanistan. Động thái này sẽ làm sâu sắc thêm sự phân chia ngày càng tăng giữa hai nước và thúc đẩy Afghanistan tiến gần đến Ấn Độ, Iran và các nước Trung Á. Với việc đóng cửa biên giới với Afghanistan, Pakistan sẽ không đạt được các mục tiêu cụ thể.

Trong 15 năm qua, Pakistan đã nhiều lần đóng cửa biên giới với Afghanistan, với tần suất có xu hướng tăng lên khi mối quan hệ giữa hai nước xuống thấp. Kabul cho rằng Islamabad sử dụng các cửa khẩu biên giới như một con bài để buộc Afghanistan nhượng bộ. Tuy nhiên, động thái này đang khiến Pakistan phải trả giá bởi một khối lượng lớn hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Afghanistan đi qua Pakistan. Đóng cửa biên giới khiến doanh nhân Afghanistan thay thế hàng nhập khẩu từ Pakistan bằng Iran, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Trung Á. Khối lượng thương mại giữa Pakistan và Afghanistan giảm từ 3 tỷ USD năm 2016 xuống còn 500 triệu USD vào đầu năm 2017.

Lượng du khách Afghanistan tới Pakistan để chữa bệnh cũng sụt giảm đáng kể. Bác sĩ Tariq Khan của Bệnh viện Khyber Pakhtunkhwa cho biết 40-50% bệnh nhân của bệnh viện là công dân Afghanistan, nhưng con số này hiện nay đã giảm. Khi Ấn Độ nới lỏng chính sách thị thực, số bệnh nhân này đang hướng tới Ấn Độ. Nếu Pakistan khiến điều kiện đi lại tồi tệ hơn, nền kinh tế nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lực lượng an ninh Pakistan kiểm tra tại cửa khẩu Chaman nằm trên biên giới với Afghanistan hôm 7-3. Ảnh: VOA

Afghanistan và Pakistan cần nhau

Hai nước cần bắt tay nhau trong nhiều vấn đề. Ví dụ, để nhập khẩu điện và khí đốt - nhu cầu đang tăng vọt ở Pakistan - từ Kyrgyzstan và Tajikistan, Islamabad phải dựa vào Afghanistan. Cách ngắn nhất, rẻ nhất và khả thi nhất là thông qua Afghanistan. Trong khi đó, nếu Afghanistan cần tiếp cận với các vùng biển mở, họ phải thông qua Pakistan.

Quan trọng hơn hết, cả hai nước cần có hành động chung và phối hợp chống khủng bố. Pakistan phải có những bước đi vững chắc chống lại các phiến quân hoạt động trong lãnh thổ của mình. Về phần mình, Afghanistan cũng nên hành động chống phiến quân. Kabul không nên phủ nhận các cáo buộc liên quan đến sự hiện diện của Taliban trên lãnh thổ của mình.

An Bình
(Theo Reuters, Diplomat)