Pakistan ngừng chia sẻ tin tình báo với Mỹ, vì sao?

Thứ hai, 15/01/2018 10:33

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan đã tuyên bố ngừng hợp tác quân sự và tình báo với Mỹ, đánh dấu biến động mới nhất trong hàng loạt tranh cãi gay gắt giữa hai nước trong thời gian qua. Vấn đề này liệu nghiêm trọng như thế nào?

Những người Pakistan biểu tình phản đối Mỹ cắt viện trợ. Ảnh: AFP

Tuyên bố ngừng hợp tác quân sự và tình báo với Mỹ được Pakistan đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ hai nước đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Islamabad “không mang lại cho Washington điều gì ngoài những lời dối trá và lừa gạt”.

Mối quan hệ giữa Washington và Islamabad rạn nứt đáng kể sau những tuyên bố chỉ trích của ông Trump. Sau đó, Washington tuyên bố dừng tất cả các khoản viện trợ an ninh cho Pakistan, và các chính trị gia Pakistan nhanh chóng đáp trả. Nhưng đằng sau những cuộc khẩu chiến này, cả hai phía thực sự đang thận trọng hơn. Các quan chức Mỹ nói rằng, việc đình chỉ viện trợ an ninh chỉ là tạm thời và các khoản vẫn có thể được hoàn trả theo từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào sự hợp tác của Pakistan. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố của Bộ trưởng Khan chỉ mang tính biểu tượng. Bởi thực tế, Pakistan đã giới hạn chia sẻ nhiều thông tin tình báo với Mỹ trong 2 thập kỷ qua.

Xung đột lợi ích sau vụ 11-9

Mỹ và Pakistan đã là đồng minh kể từ đầu những năm 1950 khi viện trợ của Washington được đổ vào để đáp ứng nhu cầu về kinh tế và an ninh của quốc gia Nam Á này. Từ năm 1959-1970, Pakistan cung cấp một căn cứ gần Peshawar cho Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng như là một điểm thu thập tin tình báo và chặn sóng vô tuyến từ Liên Xô. Và trong suốt những năm 1980, hai nước hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến tranh Afghanistan dưới sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng tình báo quân đội Pakistan, ISI. 

Nhưng xung đột lợi ích giữa hai quốc gia nổi lên sau vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ. Nhà Trắng mở cuộc chiến ở Afghanistan và bắt đầu sử dụng Pakistan làm tuyến đường cung ứng cũng như là một nguồn thông tin cơ bản. Sự sắp xếp rõ ràng đó là: Mỹ sẽ sử dụng công nghệ - chẳng hạn máy bay không người lái - để thu thập thông tin tình báo trong khi Pakistan sẽ cung cấp thông tin tình báo cụ thể hơn. Giá trị của mối quan hệ nằm ở chỗ các phiến quân Hồi giáo, là kẻ thù chính của Mỹ, tập trung ở khu vực biên giới phía tây bắc Pakistan, và chỉ có thể bị đánh bại với sự trợ giúp của Islamabad.

Vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ này là vào những năm 1980, Pakistan đã học cách sử dụng các nhóm này để xóa bỏ ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan. Như vậy, Islamabad không thể để mất đòn bẩy đó.

Căng thẳng vì Taliban

Như vậy, trong khi Pakistan cung cấp thông tin để giúp Mỹ bắt giữ một số thủ lĩnh Al-Qaeda thì không có thủ lĩnh nào của Taliban hay Al-Haqqani - vốn được Pakistan sử dụng như những “người chuyên chở” của họ ở Afghanistan - bị “sờ gáy”.

Ngoại lệ duy nhất là việc bắt giữ chỉ huy Taliban, Mullah Biradar năm 2010. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, Biradar đã “bị loại” vì ông ta đang tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình bí mật với chính phủ Afghanistan, tiến gần hơn đến Ấn Độ. Pakistan đã giúp Mỹ tiêu diệt một số chỉ huy Taliban của phong trào Tehrik-e-TalibanPakistan (TTP), như Baitullah Mahsud và nhiều người khác - nhưng đó là vì nhóm này đã phản đối chính phủ sau một cuộc đột kích quân sự giết các phiến quân tại nhà thờ Hồi giáo Red Islamabad năm 2007. Trong năm 2014, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rút quân tại Afghanistan, Pakistan đã khởi động chiến dịch dọn sạch ở các Khu vực bộ lạc do chính quyền liên bang Pakistan quản lý (FATA) dọc theo biên giới với Afghanistan để đảm bảo biên giới. Tuy nhiên, các cuộc gặp của các chỉ huy Taliban vẫn thường xuyên diễn ra ở các thành phố lớn tại Pakistan như Quetta, Peshawar, Karachi và thậm chí cả thủ đô Islamabad.

Với tình hình này, Mỹ không có nhiều hy vọng nhận được chia sẻ thông tin tình báo từ Pakistan. Cách để Pakistan có thể gây khó khăn cho Mỹ là đóng các tuyến cung cấp trên đất liền đến Afghanistan. Nhưng cho đến nay, Islamabad không nói là có làm như vậy hay không. Điều tồi tệ nhất, theo giới quan sát, Pakistan có thể tăng phí vận chuyển hàng hóa của Mỹ hoặc đôi khi gây trở ngại cho việc chuyển hàng. Đó là một dấu hiệu của sự căng thẳng và một cuộc trả đũa nghiêm trọng.

KHẢ ANH