Pakistan rúng động với thành phố gần 700 người nhiễm HIV

Thứ ba, 04/06/2019 12:37

Chỉ trong 2 tháng qua, 681 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV ở Ratodero, một huyện có 330.000 người ở tỉnh Sindh, Đông Nam Pakistan.

Những đứa trẻ bị nhiễm HIV ở làng Wasayo, Ratodero, tỉnh Sindh, đông nam Pakistan.   Ảnh: CNN

Trong một cộng đồng nông nghiệp nhỏ ở miền nam Pakistan, dân làng không còn bắt tay với ông Hazar Khan Seelro. 5 người trong gia đình của người đàn ông 70 tuổi này bị chẩn đoán nhiễm HIV chỉ trong tháng qua.

Phần nổi của tảng băng

Ông Seelro sống ở ngôi làng nông thôn Allah Dino Seelro, nơi mọi người sống trong những túp lều trát bùn, sử dụng phân bò làm nhiên liệu nấu ăn và vận chuyển hàng hóa bằng lừa. Và dĩ nhiên, người dân rất sợ bị mắc bệnh. 21 người ở làng Allah Dino Seelro - có dân số khoảng 1.500 người - đã bị chẩn đoán nhiễm HIV trong tháng qua, trong đó có 17 trẻ em. Trình độ học vấn thấp và thiếu hiểu biết về căn bệnh đồng nghĩa với việc nhiều người không hiểu vì sao họ bị nhiễm virus.

Tình trạng hiện nay của ngôi làng này chỉ là "phần nổi của tảng băng" ở khu vực này. Tuần trước, chính quyền Pakistan thông báo, trong 2 tháng qua, 681 người - trong đó có 537 trẻ em từ 2 đến 12 tuổi - có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV ở Ratodero, một thành phố có 330.000 người ở tỉnh Sindh, đông nam Pakistan, bao gồm cả làng Allah Dino Seelro. Khi Pakistan - quốc gia đông dân thứ 6 thế giới với hơn 200 triệu người - phải đối mặt với sự bùng phát HIV, các chuyên gia cho rằng, việc các bác sĩ tái sử dụng bơm tiêm trên cả nước là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Mặc dù chính quyền Pakistan chưa xác định rõ nguyên nhân gây lây lan virus, ông Zafar Mirza, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng về y tế, phát biểu tại cuộc họp báo ở Islamabad hồi tuần trước: "Có một vấn nạn lớn ở Pakistan khi bơm tiêm đang được đóng gói lại và được bán lại".

Khủng hoảng y tế

Nỗi lo về sự bùng phát HIV bắt đầu vào tháng 4, khi bác sĩ Imran Arbani, người điều hành một phòng khám tư ở Ratodero, nhận thấy gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm bệnh. Bác sĩ Arbani cảnh báo phương tiện truyền thông địa phương. Kể từ đó, hơn 14.000 người trong thành phố được kiểm tra.

Khi ngày càng nhiều người được chẩn đoán nhiễm HIV trong các khu vực bị nhiễm bệnh của tỉnh Sindh, nằm cách thủ đô Islamabad khoảng 1.000km, hệ thống y tế của Pakistan căng thẳng. "Các bệnh viện quá đông", ông Mirza cho biết. Cuối tháng 4, bác sĩ Muzaffar Ghanghro ở Ratodero bị bắt vì liên quan đến cuộc khủng hoảng HIV xảy ra bất ngờ này và bị buộc tội giết người, gây tổn hại đến tính mạng hoặc gây ra tổn thương cơ thể nghiêm trọng cho nạn nhân. Ông Ghanghro hiện đang bị giam giữ ở Ratodero trong khi cảnh sát đang tiếp tục điều tra các cáo buộc. Nhưng Athar Abbas Solangi, luật sư của ông Ghanghro, khẳng định thân chủ không có tội. "Bác sĩ đã bị biến thành vật tế thần cho cuộc khủng hoảng lớn hơn trong khu vực", Solangi nói, cho biết không có ống tiêm bị nhiễm bệnh nào được tìm thấy trong phòng khám của ông Ghanghro.

HIV là nỗi sợ quen thuộc ở Pakistan, nơi ước tính có khoảng 150.000 người lớn và trẻ em đang sống chung với căn bệnh này. Tuy nhiên, sự bùng phát đại dịch ở tỉnh Sindh là điều không bình thường, vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Trước cuộc khủng hoảng, chỉ có 1.200 trẻ em ở Pakistan được điều trị HIV, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tình trạng bất thường ở Sindh buộc các nhà điều tra phải có cái nhìn sâu sắc hơn về nguyên nhân của đại dịch mới nhất này. HIV lây lan chủ yếu qua truyền máu không được sàng lọc, quan hệ tình dục không an toàn hoặc bơm tiêm nhiễm virus. Với độ tuổi của các trẻ em bị nhiễm bệnh, ông Mirza cho rằng, bơm tiêm nhiễm bệnh là nguyên nhân có khả năng nhất của đại dịch lần này.

Bơm tiêm không an toàn

Vấn đề về kim tiêm không chỉ xảy ra ở Ratodero và nó đã xảy ra trong nhiều năm, bà Naseem Salahuddin, người đứng đầu Khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Indus ở thành phố Karachi, miền nam Pakistan, cho biết. 

Theo bà Salahuddin, báo động bắt đầu gia tăng vào năm 2017. Nhận thuốc qua đường tiêm là phổ biến ở Pakistan, do niềm tin, thuốc tiêm hoặc thuốc nhỏ giọt tác động tốt hơn thuốc viên. Nghiên cứu được công bố vào năm 2005 cho thấy, tiêm thuốc đã được sử dụng quá mức ở tỉnh Sindh của Pakistan. Theo bà Salahuddin, trong các phòng khám nhỏ hơn, một bác sĩ có thể có khoảng 200 bệnh nhân mỗi ngày. Để tiết kiệm thời gian, họ thường tái sử dụng một bơm tiêm cho nhiều bệnh nhân khác nhau. "Tái sử dụng bơm tiêm là một điều xảy ra phổ biến", bà Salahuddin cho biết, nói thêm rằng các bác sĩ tại các trường y khoa không được đào tạo về kiểm soát lây nhiễm.

AN BÌNH