Pakistan thận trọng trước căng thẳng Saudi Arabia-Iran

Thứ năm, 26/09/2019 13:00

Cách tiếp cận đoàn kết với Saudi Arabia của Pakistan giúp Islamabad tránh được những áp lực từ Riyadh sau vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ.

 

Căng thẳng đang tăng cao ở Trung Đông sau các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ lớn ở Saudi Arabia. Cuộc tấn công, được cho là do Iran hoặc các nhóm ủy quyền trong khu vực thực hiện, có khả năng tạo ra giai đoạn thù địch khác giữa Riyadh và Tehran. Sau vụ tấn công, Mỹ quyết định triển khai thêm quân tới Saudi Arabia trong khi vương quốc này tiếp cận với các đồng minh khác để nhờ hỗ trợ về mặt quân sự và ngoại giao.

Pakistan là một trong những quốc gia mà Saudi Arabia kỳ vọng sẽ ở tuyến đầu khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quân sự. Tuy nhiên, Islamabad đã khéo léo trốn tránh áp lực từ Riyadh để tham gia vào các cuộc phiêu lưu quân sự có khả năng bùng nổ trong khu vực. Liệu Islamabad có thể thoát khỏi áp lực từ Riyadh hay không?

Vai trò của Pakistan

Năm 2015, Quốc hội Pakistan, đã thông qua một nghị quyết, kêu gọi sự trung lập trong cuộc xung đột tại Yemen. Hơn thế nữa, Pakistan không chỉ quyết định giữ trung lập trong cuộc xung đột Yemen mà còn từ chối mở bất kỳ hoạt động triển khai quân sự nào để hỗ trợ các hoạt động vũ trang của Riyadh ở Yemen. Các đồng minh của Saudi Arabia trong khu vực Vùng Vịnh đã cáo buộc Pakistan đứng về phía Iran, cho rằng, quyết định không gửi quân tới Yemen của Islamabad là “mâu thuẫn và nguy hiểm và bất ngờ”.

Mối quan hệ mất giữa Islamabad và Riyadh đã được cải thiện một lần nữa trong vài năm qua. Có hai lý do đằng sau việc lãnh đạo mới của Vương quốc Hồi giáo quyết định hàn gắn mối quan hệ với Islamabad. Thứ nhất, mặc dù Pakistan có thể không công khai hỗ trợ Saudi Arabia ở Yemen, quốc gia này vẫn hỗ trợ Riyadh về mặt quân sự trong nước, vốn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Vương quốc Hồi giáo. Năm ngoái, Pakistan đã triển khai một đội quân đến Saudi Arabia. Về bản chất của việc triển khai, cánh truyền thông của đội quân Pakistan cho biết, những đội quân này sẽ không được triển khai bên ngoài Saudi Arabia. Tuyên bố tập trung vào việc triển khai và hợp tác an ninh song phương bên trong Saudi Arabia đặt ra những câu hỏi liệu việc triển khai có phải là một phần của liên minh chống khủng bố gồm 41 quốc gia do Saudi Arabia lãnh đạo hay không. Đây là nhóm mà Iran cho là chống lại lợi ích của mình.

Thứ hai, Riyadh đã bắt đầu hiểu được sự nhạy cảm về địa chính trị của Islamabad khi nói đến mong muốn theo đuổi chiến lược cân bằng giữa Saudi Arabia và Iran. Có khả năng, Saudi Arabia thừa nhận mong muốn của Pakistan theo một thỏa thuận thương lượng giữa hai nước, trong đó nói rằng dù không có liên minh rõ ràng, Pakistan sẵn sàng hỗ trợ an ninh cho Saudi Arabia. Khi Pakistan tuyên bố nước này sẽ bảo vệ biên giới Saudi Arabia, điều đó có nghĩa là họ thề sẽ bảo vệ đồng minh chống lại sự xâm lược của nước ngoài. Tuyên bố này sẽ loại trừ sự tham gia của Pakistan vào những hoạt động có thể không mang tính xây dựng đối với lợi ích của Islamabad.

Đoàn kết với Riyadh

Phản ứng của Islamabad liên quan đến các cuộc tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia là có thể dự đoán được.

Tuần trước, sau vụ tấn công, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã tới Saudi Arabia để bày tỏ tình đoàn kết với Riyadh. Trước chuyến thăm của ông Khan, văn phòng nước ngoài của Pakistan đã lên án vụ tấn công và nhắc lại sự hỗ trợ của họ đối với an ninh của vương quốc Hồi giáo. Dù lên án các vụ tấn công, Islamabad không đổ lỗi cho Iran cũng như không bày tỏ mong muốn gia nhập đội quân của Riyadh nếu nước này quyết định hành động quân sự chống lại Tehran. Phản ứng của Pakistan được cho là một hành động khuyến khích sự thận trọng và đối thoại giữa hai nước.

Nhiều người đoán rằng, sau vụ tấn công các nhà máy lọc dầu, các lãnh đạo Saudi Arabia đã yêu cầu sự hỗ trợ của Pakistan trong chuyến thăm của Thủ tướng Khan tới Riyadh. Không ai có thể biết những gì ông Khan đã cam kết trong chuyến đi, nhưng chắc chắn đó không phải là một điều gì đó khiến Iran khó chịu hoặc gây ra những rạn nứt trong nước.

AN BÌNH