Patrick Shanahan- nhân vật số 2 của Lầu Năm Góc

Thứ bảy, 18/03/2017 13:44

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16-3 đã đề cử Phó Chủ tịch Tập đoàn Boeing Patrick Shanahan làm Thứ trưởng Quốc phòng, động thái được cho là nhằm tăng cường mối quan hệ gần gũi giữa ông lớn hàng không quân sự và chính quyền mới.

Lãnh đạo có năng lực

Ông Shanahan, 54 tuổi là một ngôi sao đang lên tại Boeing, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hàng không quân sự, không gian và thương mại. Ông có 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Boeing nhưng nổi bật vào năm 2007 khi được giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến máy bay 787 Dreamliner, vốn bị hoãn ra mắt trong nhiều năm.

Ông Shanahan hiện là Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chuỗi cung ứng và hoạt động của Boeing, làm việc trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự của tập đoàn này. Ông được đánh giá là một "lão làng" trong lĩnh vực hàng không dân dụng, không gian vũ trụ và quân sự. Hầu hết kinh nghiệm làm việc tại Boeing của ông Shanahan nằm ở bộ phận thương mại của tập đoàn, với vai trò giám đốc các dự án chế tạo máy bay thương mại 737, 747, 767, 777 và 787.  Nhưng ông cũng đã dành thời gian điều hành bộ phận quân sự của tập đoàn. Ông từng là Phó Chủ tịch và Tổng Giám đốc của cả hai hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống Rotorcraft của Boeing. Ông điều hành bộ phận máy bay quân sự của tập đoàn ở Philadelphia trong 2 năm rưỡi, phụ trách chương trình máy bay trực thăng Apache và Chinook cũng như máy bay cánh xoay V-22 Osprey.

Ông Loren Thompson, chuyên gia phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Lexington Institute cho rằng: "Đây là một đề cử có ý nghĩa lớn đối với Bộ trưởng Mattis, bởi ông ta sẽ có một nhà điều hành có năng lực quản lý Lầu Năm Góc hàng ngày". Theo ông Thompson, dù ông Shanahan chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự hay chính trị, ông "hiểu làm thế nào để tiến hành các hoạt động phức tạp". Kỹ năng của ông trong việc quản lý mạng lưới các nhà cung cấp toàn cầu của Boeing có thể đặc biệt hữu ích trong việc giúp lãnh đạo Lầu Năm Góc các việc liên quan đến các nhà thầu, từ hệ thống vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho đến lương thực cho quân đội.

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông Shanahan phải cam kết rút khỏi những vấn đề liên quan đến Boeing. Ông cũng phải tách mình khỏi lợi ích tài chính liên quan đến tập đoàn trước khi bắt đầu công việc tại Lầu Năm Góc.

Ông Patrick Shanahan

Quan hệ gần gũi

Giới quan sát nhận định, việc Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Boeing nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nhà sản xuất máy bay lớn nhất của Mỹ với chính quyền mới.

Boeing - nhà thầu quốc phòng lớn thứ hai của chính phủ Mỹ, sau Lockheed Martin - có mối quan hệ thân thiết với chính quyền Tổng thống Trump. Sau bài viết của ông Trump hồi tháng 12 trên Twitter, phàn nàn về chi phí của dự án phát triển chuyên cơ Không lực 1 dành cho Tổng thống, Giám đốc điều hành Boeing, ông Dennis Muilenburg, đã nắm bắt cơ hội đối thoại cởi mở với tân tổng thống. Những cuộc thảo luận tại Tòa tháp Trump và khu nghỉ mát Mar-a-Lago của tổng thống ở Florida dường như đã mang lại cho Boeing những lợi thế lớn. Kết quả là hồi tháng 1, tập đoàn này đã giành được hợp đồng chế tạo chiếc Không lực 1 thế hệ mới cho chính phủ Mỹ. Dự kiến 2 chiếc Không lực 1 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Các cuộc gặp gỡ cũng tạo đòn bẩy cho nỗ lực đàm phán lại hợp đồng mua 90 chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin. Mandy Smithberger, Giám đốc Dự án Giám sát Chính phủ của Washington, cho biết F-35 là mối quan ngại chính về các xung đột lợi ích khi Lầu Năm Góc tiếp tục xem xét cắt giảm chi phí vũ khí. Nếu Lầu Năm Góc quyết định cắt chương trình F-35 để ủng hộ một loại máy bay khác, đó sẽ là tình huống "mà Boeing có thể được hưởng lợi rất lớn".

Theo đề xuất ngân sách của Tổng thống Trump, Lầu Năm Góc sẽ nhận được 52,3 tỷ USD (tăng 10%) cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-10. Ngân sách này bao gồm 13,5 tỷ USD mua thêm máy bay, trong đó có 4 tỷ USD cho máy bay F/A-18 của Boeing.

An Bình

             (Theo Bloomberg, CNN)