Phá hủy 13.000 ngôi nhà của người Palestine: Israel được lợi gì?
(Cadn.com.vn) - Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng đến nay Israel được cho là đã phá hủy hơn 13.000 ngôi nhà của người dân Palestine, hành động gây làn sóng căm phẫn trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức như LHQ, Nhân Quyền con người (HRW) xem đây là dạng “tội ác chiến tranh” mới.
“Tội ác chiến tranh” mới
Kể từ khi Israel ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập và Jordan, Tel Aviv phát triển những liên minh bí mật với cả phương Tây và một vài quốc gia Arab nhằm chống lại Iran vì cho rằng Tehran đang âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân. Kết quả là, cả Hamas lẫn Hezbollah đều tấn công Israel bằng mọi giá. Ngoài ra, Tel Aviv còn đối mặt với khoảng 3 triệu người Palestine thù địch ngay tại Bờ Tây, nơi Israel chiếm được từ Jordan trong Cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967.
Bờ Tây là một vùng đất đều do Palestine và Israel kiểm soát theo Hiệp định hòa bình Oslo ký lần đầu năm 1993 và lần thứ hai năm 1995, trong đó đưa ra một tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia này với mục tiêu thực hiện “quyền tự quyết của người dân Palestine”. Israel làm phức tạp thêm tình hình khi coi phần phía đông Jerusalem, với vùng đệm xung quanh, là thủ đô thống nhất của họ.
Điều này không được cộng đồng thế giới công nhận, kể cả Palestine vốn muốn vùng phía đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Do không đạt được ý đồ, quốc gia Do Thái đưa ra nhiều chính sách gây tranh cãi, kể cả chiến dịch dùng quân đội phá hủy nhà cửa thuộc sở hữu của người Palestine. Cách làm này của Israel về thực chất là học theo kiểu chính quyền thực dân Anh áp dụng trước đây để trừng phạt phiến quân nổi dậy. Đặc biệt, việc phá hủy nhà của người Palestine thường xảy ra sau các vụ bạo loạn, lấy cớ khủng bố đang trú chân trong các căn nhà này.
Israel được cho là phá hơn 13.000 ngôi nhà của người Palestine, tuyên bố rằng các tòa nhà xây dựng trái phép. Tuy nhiên, HRW cho rằng, chính sách phá hủy nhà dân để phản ứng lại các cuộc tấn công khủng bố của Israel là hành động mang tính “tội ác chiến tranh” dựa trên điều khoản Công ước Genève 1949. Đáp trả, Israel cho rằng việc làm của họ là đúng luật pháp quốc tế bởi Bờ Tây không phải là một nhà nước.
Israel phá hủy nhà của người Palestine. |
Palestine đòi công bằng lên LHQ?
Newsweek dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên thuộc Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho biết, Tổng thống Mahmoud Abbas hiện đang cân nhắc mở ra “chương mới trong lịch sử của người Palestine” trong bài diễn văn đọc tại Đại hội đồng LHQ – phiên họp hiện đang diễn ra ở Washington - nhằm vô hiệu hóa Hiệp định Hòa bình Oslo với Israel.
Hiệp định hòa bình Oslo đưa ra tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine nhằm mục đích thực hiện quyền tự quyết của người Palestine. Hiệp định đề cập chính quyền Palestine (PA) kiểm soát vùng Bờ Tây và phối hợp với Israel về vấn đề an ninh. Theo đó, Tổng thống Abbas sẽ thông báo trước LHQ rằng, người Palestine sẽ không còn tuân theo Hiệp định Oslo vì thất vọng về cách hành xử “nói một đằng, làm một nẻo” của Tel Aviv. Theo nguồn tin này, việc bãi bỏ các thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Palestine và Israel đã được thảo luận.
Ngoài việc vô hiệu hóa Hiệp định Oslo, ông Abbas sẽ thông báo Palestine là quốc gia đang bị chiếm đóng. Tuy nhiên, việc thông báo “Palestine là một nhà nước bị chiếm đóng” có thể gây tranh cãi vì một số quốc gia cho đến nay vẫn không công nhận Palestine như là một nhà nước độc lập, biên giới không rõ ràng.
Khắc Nam
(Theo TSW/Newsweek)