Phác thảo nào cho Tượng đài chiến tích Hải Vân?

Thứ năm, 08/08/2013 11:12

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều năm phát động sáng tác và qua nhiều đợt xét duyệt các phác thảo Tượng đài chiến tích Hải Vân, đến nay chỉ còn lại 2 tác phẩm của nhà điêu khắc (NĐK) Tạ Quang Bạo và Phạm Hồng vào đến vòng cuối cùng. Và chiều 7-8 Hội đồng nghệ thuật Tượng chiến tích Hải Vân đã bỏ phiếu để chọn ra một tác phẩm để tiến hành xây dựng. Đã có nhiều ý kiến đóng góp trong việc chọn mẫu Tượng đài chiến tích Hải Vân...

Hải Vân không chỉ được biết đến với cái tên “Đệ nhất hùng quan”, với cảnh trí thiên nhiên làm say đắm biết bao nhiêu khách lữ hành mà còn gắn với những trang sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chính vì vậy, việc xây dựng nơi đây một tượng đài đẹp, độc đáo, thể hiện được chiến công của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng gắn với khu vực đèo Hải Vân là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để chọn một tượng đài thực sự phù hợp không phải là điều dễ dàng. Đến nay, sau nhiều lần xét duyệt và yêu cầu các tác giả chỉnh sửa, Hội đồng nghệ thuật Tượng đài chiến tích Hải Vân đã chọn được 2 phác thảo của NĐK Tạ Quang Bạo (Hà Nội) và Phạm Hồng (Đà Nẵng).

Hội đồng nghệ thuật thẩm định phác thảo của NĐK Tạ Quang Bạo.

Lấy cảm hứng từ sự trùng điệp, hùng vĩ của Hải Vân và hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân, NĐK Tạ Quang Bạo đã phác thảo Tượng đài với nhiều sự kiện lịch sử xảy ra tại đây. Giải thích ý nghĩa của tượng phác thảo, NĐK Tạ Quang Bạo cho biết: Nhóm chính gồm 3 chiến sĩ, tạo hình chắc khỏe với tư thế của người chiến thắng, vừa trang nghiêm hào hùng lại vừa hân hoan trong khúc khải hoàn ca chiến thắng. Khối nối liên tiếp theo chân tượng tạo dựng khí thế tiến công của bộ đội ta với tư thế điển hình, sinh động. Mảng tối dứt khoát mạch lạc tạo không gian cao thấp, xa gần của đèo núi, chiến hào, chiến địa, tư thế chiến đấu của người chiến sĩ, xe cơ giới địch bốc cháy... tất cả tạo điểm nhấn quan trọng cho tượng đài.

Ở đây yếu tố hình hóa được đề cao nhằm khắc họa chân thật hình ảnh người chiến sĩ giải phóng trong cuộc chiến gian khổ nhưng oai hùng. Còn phía sau phù điêu, mô tả không khí của quân và dân ta trường kỳ kháng chiến. “Những chiến công trên đèo Hải Vân rất to lớn, qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ triều đại nhà Nguyễn thời kỳ Cần Vương đến kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Vậy thời kỳ nào là điển hình nhất cho Hải Vân, riêng tôi, tôi chọn thời kỳ chống Mỹ vì đây là thời kỳ điển hình khốc liệt trong chiến tranh, biết bao nhiêu anh hùng đã hy sinh ở địa danh này, nhiều chiến thắng vang dội cũng xuất phát từ Hải Vân. Trước đây, sau khi Hội đồng nghệ thuật góp ý, tôi cũng đã có nhiều chỉnh sửa phác thảo cho phù hợp hơn. Tôi chọn chất liệu đá để xây dựng tượng đài, nếu phác thảo được chọn”, NĐK Tạ Quang Bạo nói.

Cũng lấy hình tượng người chiến sĩ và những chiến công gắn liền với Hải Vân để phác thảo Tượng đài, nhưng NĐK Phạm Hồng lại có cách thể hiện rất riêng. “Lấy ý tưởng “ngọn lửa” làm trụ đài chính, gợi cảm giác như lưỡi lê hay như cánh buồm của con thuyền vươn ra biển, được liên kết với bệ đặt cụm tượng và hai cánh cung. Đây chính là điểm nhấn của tượng đài với cảnh quan thiên nhiên. Còn cụm tượng gồm có 3 nhân vật, với bố cục chặt chẽ, hình khối chắc khỏe ở thế kiềng ba chân, vươn lên phía trước thể hiện khí phách hùng tráng và hân hoan của người chiến sĩ chiến thắng. Cụm tượng dự kiến thể hiện cao từ 5 đến 7 m, chất liệu đúc gang pha thép hoặc đá hoa cương. Còn phù điêu miêu tả những sự kiện tiêu biểu nhất của các lực lượng vũ trang đã trực tiếp chiến đấu trên đèo Hải Vân. Những sự kiện như chiến tích Chân Sảng, trận đánh kho xăng Liên Chiểu, đánh các đoàn xe của địch... đều thể hiện trên hai cánh cung hoặc trên khối đá tự nhiên. Việc cấu trúc sắp đặt này sẽ tạo nên vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa với cụm tượng đài chính”, NĐK Phạm Hồng nói về phác thảo của mình.

Nhìn chung, cả hai phác thảo của NĐK Tạ Quang Bạo và Phạm Hồng đều đáp ứng yêu cầu về tính thẩm mỹ và ý nghĩa của công trình Tượng đài chiến tích Hải Vân. Tuy nhiên, nhiều thành viên Hội đồng nghệ thuật đều cho rằng mỗi phác thảo cần phải chỉnh sửa thêm nhiều chi tiết nếu được chọn. Ông Nguyễn Văn Kỳ- Trưởng khoa mỹ thuật (Trường Trung học văn hóa – nghệ thuật Đà Nẵng) cho rằng: “Hai bản phác thảo đều có những cái hay và đẹp riêng, nếu như khối tượng chính 3 chiến sĩ của NĐK Tạ Quang Bạo rất hài hòa thì tác phẩm của NĐK Phạm Hồng lại thể hiện được những sự kiện nổi bật gắn với đèo Hải Vân. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều chi tiết nếu một  trong hai tác phẩm được chọn, để công trình hoàn thiện và đẹp hơn”.

Còn bác Phạm Hồng Sương, BLL Sư đoàn 305, đơn vị có nhiều chiến công gắn liền với đèo Hải Vân thì cho rằng: “Tượng đài chiến tích Hải Vân phải thể hiện được xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng thời phải độc đáo, không trùng lắp với tượng đài khác, ngoài ra nội dung thể hiện ở tượng đài phải đúng lịch sử”.

Sau khi nghe hai tác giả trình bày, các thành viên Hội đồng nghệ thuật Tượng đài chiến tích Hải Vân đã bỏ phiếu để chọn ra 1 tác phẩm để tiến hành xây dựng. Kết quả này sẽ được UBND TP công bố trong thời gian sớm nhất. Và hẳn nhiên, dù tác phẩm của NĐK Tạ Quang Bạo hay Phạm Hồng được chọn thì nó phải xứng đáng với những chiến công của quân dân Đà Nẵng và hài hòa với cảnh đẹp trên “Đệ nhất hùng quan”.

Minh Hà