Phải có giải pháp căn cơ để giải quyết tình hình nợ xấu

Thứ bảy, 27/05/2017 08:16

(Cadn.com.vn) - Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tham gia thảo luận tại tổ 3 cùng với các Đoàn: Nghệ An, Trà Vinh và Lai Châu. Tham gia thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn và các ĐB trong Đoàn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần phải có giải pháp căn cơ để giải quyết tình hình nợ xấu. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết (NQ) về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một giải pháp phù hợp. Về phạm vi khoản nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết, ĐB Ngô Thị Kim Yến đề nghị cần chốt khoản nợ xấu để áp dụng xử lý theo Nghị quyết này là ngày 31-12-2016, đối với những khoản nợ xấu phát sinh sau thời điểm này thì được xử lý theo quy định hiện hành.

Quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường (Điều 5), ĐB Quang đề nghị cân nhắc lại quy định cho phép “bán tài sản bảo đảm với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”. Bởi lẽ, trên thực tế có nhiều trường hợp nâng khống giá trị tài sản đảm bảo cho vay với mức cao hơn rất nhiều lần giá trị thực làm phát sinh nợ xấu. ĐB cho rằng, với quy định bán tài sản bảo đảm với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ thì vô tình giúp những người có liên quan thoát khỏi trách nhiệm, trong khi đó, đây là hành vi có thể bị xử lý hình sự. Do đó, ĐB đề nghị, trong trường hợp bán tài sản thế chấp thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ thì cần có xác minh giá trị thật của tài sản đó lúc cho vay để quy trách nhiệm rõ ràng. Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ sự ủng hộ chủ trương cần khai thông việc bán tài sản thế chấp theo giá thị trường, thực hiện qua hình thức đấu giá công khai.

Trần Vinh – Vũ Hưng