Thách thức đối với giáo dục phổ thông Việt Nam:

Phải đảm bảo bình đẳng trong giáo dục

Thứ sáu, 20/12/2013 10:51

(Cadn.com.vn) - 189 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt được 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (được ghi trong Bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2000) vào năm 2015.

Trong các mục tiêu này, phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) là một trong những mục tiêu mà Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, hiện 61/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cấp độ I. Nhân sự kiện này, bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã   trao đổi với báo chí những thành tựu và thách thức của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu PCGDTH.

Bà Lotta Sylwander

P.V: PCGDTH ở Việt Nam là một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, bà đánh giá như thế nào về thành tựu này ở Việt Nam trong lĩnh vực này?

Bà Lotta Sylwander: Xin chúc mừng Đảng và Chính phủ Việt Nam với thành công trong việc đạt được mục tiêu PCGDTH. Cuối năm 2012, tỷ lệ nhập học thô cấp tiểu học đã đạt 97,7%. Đây là thành tích vô cùng to lớn khi chúng ta nhìn vào xuất phát điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng cần quan tâm đến tỷ lệ hoàn thành cấp học tiểu học. Trong năm 2012, tỷ lệ hoàn thành tiểu học hơn 92%. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra như chất lượng giáo dục, phương pháp giáo dục...

Tôi cho rằng, thế giới nhìn chung đang hướng tới phương pháp sư phạm mang tính tham gia và đối thoại nhiều hơn giữa học sinh và giáo viên. Do đó, học sinh có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động của trường lớp, UNICEF gọi mô hình này là trường học thân thiện.

Một vấn đề khác mà chúng tôi quan tâm là những đối tượng còn gặp nhiều khó khăn để chưa được tiếp cận giáo dục tiểu học, chủ yếu là nhóm trẻ em thiệt thòi như trẻ em nghèo, phần lớn ở các vùng nông thôn, vùng cao nguyên miền núi và khu vực sông Cửu Long, nơi còn có trẻ em gặp nhiều thách thức chưa được tiếp cận với trường học. Chúng tôi cũng quan tâm tới tỷ lệ mù chữ ở phụ nữ dân tộc thiểu số, tỷ lệ này có thể lên tới 25% và ở một số dân tộc, con số này có thể lên tới 30%, đặc biệt là ở vùng núi phía Bắc.

Trẻ em miền núi là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận với phát triển giáo dục.
Ảnh: Một lớp học nghèo nàn ở miền núi Quảng Nam.

P.V: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà có nhận định gì về những thách thức đối với giáo dục phổ thông của Việt Nam trong quá trình phát triển?

Bà Lotta Sylwander: Theo tôi, có một số thách thức mà cả cấp tiểu học và trung học đều phải đối mặt. Trước hết là đảm bảo bình đẳng trong giáo dục. Điều này có nghĩa là một số nhóm, nhất là nhóm những đối tượng thiệt thòi, hạn chế trong việc tiếp cận với giáo dục.

Cụ thể như ở vùng dân tộc thiểu số, việc giảng dạy đều bằng tiếng Việt, vì vậy, rào cản ngôn ngữ giữa học sinh và giáo viên chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bỏ học của học sinh dân tộc thiểu số cao.

Một rào cản khác, theo tôi, liên quan tới chất lượng của hệ thống giáo dục, đó là cơ sở vật chất của nhà trường và các yếu tố khác. Khi nhắc đến chất lượng giảng dạy trong hệ thống giáo dục, tôi cho rằng thế giới đang không ngừng thay đổi và hệ thống giáo dục Việt Nam chưa thực sự được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của lực lượng lao động mà thế giới hiện nay đang cần.

Ví dụ như nhu cầu tập trung vào khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phân tích độc lập, khả năng tranh luận, đối thoại và tư duy phản biện. Hệ thống giáo dục cần coi trọng những khía cạnh mới này nhằm tạo ra một lực lượng lao động phù hợp với thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, vẫn còn thách thức trong đảm bảo cơ sở vật chất ở các trường học. Nhiều trường học, đặc biệt là các trường không thuộc các thành phố lớn, không có nước sạch và nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Đây là hai yếu tố đảm bảo sức khỏe và vệ sinh cho học sinh, điều này rất quan trọng. Một vấn đề khác mà chúng tôi đang cùng với Bộ GD-ĐT thực hiện là đem lại cơ hội học tập phù hợp và có thể tiếp cận được cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh. Các trường phổ thông dân tộc bán trú là một giải pháp hữu hiệu. Nếu trường bán trú thực sự phù hợp và an toàn với trẻ em, tôi chắc chắn rằng sẽ có nhiều trẻ em dân tộc thiểu số hơn nữa sẽ có thể hoàn thành tiểu học và tiếp tục đến trường.

Vấn đề cuối cùng, cũng rất quan trọng, mà tôi muốn đề cập là trẻ em khuyết tật ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc hạn chế khi tiếp cận với hệ thống giáo dục. Bộ GD-ĐT  chia sẻ quan điểm này và chúng tôi cũng đang cố gắng hợp tác nhằm tạo ra một hệ thống giáo dục hòa nhập có chất lượng, nơi giáo viên có thể tiếp nhận học sinh khuyết tật, giúp các em học được nhiều nhất trong nhà trường.

Hồng Điệp

(thực hiện)