Phải đóng cửa cơ sở mầm non xảy ra bạo hành trẻ em
Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn.
Không thể chấp nhận bạo hành trẻ em
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện nay toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon với 337.000 giáo viên. Về cơ bản, các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non tư thục. "Những trường hợp bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, giải pháp căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý. “Hiện nay, chế độ cho giáo viên mầm non quá thấp, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng/tháng thì các cô rất khó khăn, đây là lý do gây áp lực”, Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, một mặt tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Vấn đề xuống cấp đạo đức giáo viên khá cá biệt. Các đại biểu Quốc hội mong muốn cả hệ thống chính trị xã hội, các ngành các cấp phải vào cuộc, không chỉ riêng ngành giáo dục.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có địa chỉ cụ thể, tại đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, các ban ngành đoàn thể để xảy ra những việc như vậy hiệu trưởng có biết hay không? Giáo viên có biết hay không? Chính quyền địa phương có biết hay không? Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Mỗi năm tiêu tốn 3 - 4 tỷ USD cho du học
Tại phiên trả lời chất vấn sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục, coi là quốc sách hàng đầu và đã dành 20% ngân sách để đầu tư; cùng với đó còn có sự tham gia đóng góp của xã hội, doanh nghiệp rất lớn. Theo thống kê, hàng năm, số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu ở dạng học bổng, không học bổng rất lớn với số chi vào khoảng 3-4 tỷ USD. Bộ đã tham mưu Chính phủ có chính sách khuyến khích xã hội hóa, hiện nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào giáo dục theo chuẩn quốc tế.
Bộ trưởng chỉ rõ, ngân sách nhà nước tập trung cho giáo dục phổ cập, vùng khó khăn; còn giáo dục chất lượng cao thì nhà nước vẫn có trách nhiệm, nhưng rất trông đợi vào đầu tư của tư nhân với chương trình học tiên tiến, kiểm định chất lượng dạy, học ngay từ đầu. Theo Bộ trưởng, giải pháp này sẽ tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực cho nhà nước.
Cần chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế giáo viên
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Thời gian qua nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng để làm công tác chuyên môn rất lớn, một số đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cho được hợp đồng. Do đó, cần chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; rà soát, sắp xếp lại ngay trong năm 2018. Để thực hiện nghiêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cần đánh giá lại năng lực đối với các giáo viên thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có quy định gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục, ưu tiên những người làm chuyên môn, nghiệp vụ phải chiếm tỷ lệ trên 65%, bởi hiện nay nhân sự làm công tác hành chính, quản lý chuyên môn chiếm tỷ lệ còn khá lớn. Bộ trưởng cũng đề nghị cần sắp xếp, tính toán lại định mức trong các trường trên cơ sở số lớp trong trường, số giờ dạy của giáo viên.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại những địa phương tăng dân số cơ học, bên cạnh việc nghiên cứu bổ sung biên chế để tránh trường hợp thiếu giáo viên hoặc thiếu người phục vụ trong các trường học. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế để xem xét lại những trường hợp địa phương tăng dân số cơ học, không thể tự cân đối, không để “người bệnh không có thầy thuốc, học sinh không có giáo viên giảng dạy”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
T.T