Phải “giải mã” để gỡ vướng thi hành án Khu đô thị Đa Phước

Thứ tư, 09/12/2020 09:10

Nhiều ý kiến thảo luận tại nghị trường HĐND TP Đà Nẵng hôm 8-12 đã đề cập tới giải pháp gỡ vướng trong thi hành án dự án sân Chi Lăng và Khu đô thị Đa Phước.

Thu hồi khu đất 29 ha tại KĐT Đa Phước phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân đối với tài sản trên đất.

Đại biểu Trần Tuấn Lợi nói rằng, phán quyết thu hồi 29 ha đất KĐT Đa Phước của Tòa án cấp cao tại Hà Nội khiến người dân mua nhà cũng như các đối tác, nhà đầu tư vào KĐT rất lo lắng. Phán quyết của Tòa như vậy gây bất an cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại dự án này, có thể gây ra tình trạng khiếu kiện đông người khi tổ chức thi hành án, gây bất ổn định về ANTT. Bản thân Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng được tòa ủy thác thực thi phán quyết này cũng gặp nhiều vướng mắc. ĐB Lợi cho biết thêm, hiện nay dư nợ của Cty Đa Phước tại Vietcombank và SHB lên tới 1.500 tỷ đồng, đây là các khoản nợ Cty vay đầu tư phát triển và thế chấp bằng khu đất 29 ha tại Đa Phước. Khi quyền sử dụng đất bị thu hồi, Cty Đa Phước khó tránh khỏi phá sản, khoản nợ ngân hàng sẽ thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi, hệ quả gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của ngân hàng, cụ thể thiệt hại cho Nhà nước vì phần lớn cổ phần của Vietcombank của Nhà nước.

Ngoài ra, Cty Đa Phước còn ký hợp tác liên doanh với hàng chục đối tác khác nhau, theo đó các đối tác đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cùng với Đa Phước xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng. Nếu bị thu hồi, toàn bộ số tiền của các đối tác sẽ mất, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc hoàn thiện các công trình nêu trên sẽ bị đình trệ, không biết đến bao giờ. Với vị trí nằm sát biển, các kết cấu của các công trình này nếu không được hoàn thiện sẽ gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng đầu tư của các doanh nghiệp. Hiện nay nhiều nhà đầu tư đang theo dõi vụ việc này trước khi đầu tư vào Đà Nẵng.

Với những bất cập nêu trên, ĐB Lợi cho rằng, việc thu hồi 29 ha đất KĐT Đa Phước không thể không tính đến khối tài sản trên đất, trong khi tài sản trên đất của Cty Đa Phước và các nhà đầu tư khác không được đề cập trong bản án. Do vậy việc giao cho UBND TP thu hồi khu đất này là không có tính khả thi. Từ phân tích đó, ĐB Lợi đề nghị HĐND TP cần có tiếng nói đến cơ quan thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc này nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa được thực thi và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân và những nhà đầu tư tại dự án.

Tương tự với việc thi hành án khu đất sân Chi Lăng, vụ việc này Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng cũng đang thụ lý, nhưng nhiều năm qua chưa có hướng giải quyết cụ thể. Gần đây, Phó Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự và lãnh đạo TP đã có buổi làm việc đi đến kết luận trước mắt chưa xem xét giải quyết những kiến nghị của Ngân hàng Xây dựng và Cty Thiên Thanh. Kiến nghị Tòa án tối cao xem xét giám đốc thẩm. ĐB Lợi đặt câu hỏi: Thế thì không biết đến khi nào mới giải quyết dứt điểm, trong khi mong muốn lớn nhất của cư dân TP là giữ cho được SVĐ Chi Lăng. Cử tri TP lo lắng. Hiện nay TP muốn giữ được sân Chi Lăng cần hoàn trả số tiền 1.252 tỷ đồng Cty Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách TP. Chưa kể, hiện ông Phạm Công Danh và Cty Thiên Thanh còn nợ ngân hàng với số tiền gốc và lãi gần 8.500 tỷ đồng. Khoản vay trên đều thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất SVĐ Chi Lăng. Vậy thì TP khó giữ lại được sân Chi Lăng chỉ với số tiền 1.252 tỷ đồng hoàn trả Cty Thiên Thanh. ĐB Lợi đề xuất, giải pháp nhanh và hiệu quả nhất là hòa giải, thỏa thuận giữa các bên liên quan, nhằm đạt được mong muốn của người dân là giữ sân Chi Lăng, tránh thiệt hại lớn nhất cho TP thời gian tới.

Để trả lời các vấn đề ĐB đề cập, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho biết, mới đây Cục đã nhận 2 quyết định ủy thác liên quan đến các vụ án xét xử Phan Văn Anh Vũ trong năm 2020. Trong 2 quyết định này có tổng số tiền thi hành gần 4.000 tỷ đồng, bao gồm 1 quyết định về thu hồi khu đất 29 ha tại Khu đô thị Đa Phước và 1 quyết định kê biên 28 tài sản là bất động sản khác. Ông Thu cũng cho biết, trước đó vào tháng 7-2020, Cục đã bàn giao 3 tài sản sau thi hành án cho TP liên quan tới Phan Văn Anh Vũ là số 16 Bạch Đằng, 319 Lê Duẩn, khu đất dự án tại Ngũ Hành Sơn. Riêng khu đất tại đường Ngô Quyền do có trường mầm non ABC trên đất, có nhiều học sinh đang học nên tạm thời kiến nghị cấp trên cho ý kiến. Về phản ánh của ĐB liên quan tới thu hồi khu đất 29 ha ở Đa Phước, ông Thu nói hiện Cục đã tống đạt các quyết định tới các bên liên quan. Trước tiên, Cục tập trung vào xác minh các điều kiện pháp lý về thi hành án, đồng thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc. Còn việc Cty Đa Phước nợ ngân hàng Cục không xem xét vì không thuộc thẩm quyền. Về sân Chi Lăng, ông Thu nói đã thống nhất kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao xem xét. Bởi vì đây là vụ việc có nhiều vướng mắc, khó khăn, đã có nhiều văn bản kiến nghị từ giữa năm 2019 đến nay nhưng Tòa tối cao vẫn chưa có văn bản trả lời.

Theo Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung, việc thi hành các bản án của Tòa phải được triển khai quyết liệt, muốn thế phải có kế hoạch cụ thể chứ không thể nói đang rà soát pháp lý miết. Cứ như vậy thì không giải quyết được. Ông Trung nói:

Sân Chi Lăng cứ nói lấy lại hoài, giờ vẫn thế, đất đai nguồn lực để hoang phí. Đất của dân quanh đó đã thu hồi, đền bù giờ để đó không làm gì. Khu Đa Phước thì cả vịnh đẹp như thế đưa ra làm đô thị, giờ không thu hồi để ngổn ngang, tiền thì nợ đủ hết, người dân giờ vào đó ở thì khiếu kiện, tụ tập đông người, nhất là các sự kiện lớn. Chưa kể quyền lợi của người dân cũng không được đảm bảo. Họ mua bán đàng hoàng, bên thứ 3 ngay tình, nhưng cũng không thực hiện được. Vì vậy, đề nghị Cục Thi hành án rà soát lại, từng việc vướng mắc để kiến nghị theo thẩm quyền. Phải quyết liệt như thế mới xử lý được các vụ án đang tồn đọng.

Phó Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho biết, với sân Chi Lăng nguyện vọng của TP là giữ lại, thế nhưng việc thi hành án không phải nằm ở đó. Mà nó nằm ở chỗ tính pháp lý để thực hiện bản án này và Cục Thi hành án thì đang vướng. Hiện nay thì Tổng cục Thi hành án cũng đang lúng túng. Với vụ việc Khu đô thị quốc tế Đa Phước, trong bản án nêu nhiều nội dung khác nhau và cần phải giải quyết từng mảng một. Nói chung, không thể giải quyết chỉ bằng con đường kiến nghị lên Chính phủ mà nó phải được giải quyết bằng một trình tự tố tụng, thông qua hoạt động tòa án. Chỉ có giải quyết bằng một trình tự tố tụng để giải mã ra toàn bộ thì mới gỡ vướng được vụ việc này. Ngoài ra, TP cần thống nhất một đầu mối thực hiện, tránh phân tán đề xuất các kiến nghị ở nhiều hướng khác nhau.

HẢI QUỲNH