Phải giữ được bản sắc của bài chòi trong quá trình bảo tồn và phát huy

Thứ ba, 29/05/2018 10:28

Là một trong những thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn dự Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO tổ chức ở Jeju (Hàn Quốc) tháng 12-2017, ông Nguyễn An Pha- nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định- không sao quên được giây phút hồi hộp chờ đợi Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Trò chuyện với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn An Pha chia sẻ quan điểm về công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quý giá này trong thời gian tới.

Hội đánh bài chòi dân gian do Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao thị xã An Nhơn (Bình Định) tổ chức trong dịp Tết cổ truyền.

5 đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn của Bài Chòi

Thứ nhất: là loại hình văn hóa làng. Khi một làng tổ chức hội bài chòi, các làng xung quanh có thể tham gia; Thứ hai: tính quần chúng, tính cộng đồng vì ai cũng có thể chơi Bài chòi, không phân biệt già, trẻ, gái trai. Người có tiền thì mua thẻ lên chòi. Người không có tiền thì đứng xung quanh coi, cổ vũ. Người chơi muốn về lúc nào thì về; đang chơi có thể về ăn cơm rồi ra chơi tiếp. Ai mua thẻ lên chòi mà chơi không trúng thì tiếp tục được chơi tiếp cho đến khi trúng. Đặc trưng thứ 3: tính diễn xướng dân gian. Trong đó anh Hiệu, chị Hiệu là nhân vật trung tâm. Sau này, họ trở thành những nghệ nhân chuyên nghiệp. Đặc trưng thứ tư: Bài chòi dân gian xưa thường tổ chức vào dịp Tết nên  thường có yếu tố cầu may, cầu lộc đầu năm. Người chơi khi nào trúng cờ hội mang về nhà, để chứng minh mình thắng cuộc, là lộc, may đến với mình.  Người thắng cuộc còn được mời uống rượu xuân. Cuối cùng mới là tiền thưởng...; Đặc trưng thứ năm của nghệ thuật bài chòi dân gian là tính giáo dục rất cao, thể hiện ở những câu thai mang tên trong quân bài. Trong mỗi câu thai do anh Hiệu, chị Hiệu diễn xướng chứa đựng nhiều nỗi niềm nhân tình thế thái, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, phê phán thói hư tật xấu... 5 đặc trưng này đều mang tính dân gian, không mang tính cung đình.

Nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định Nguyễn An Pha.

Phải giữ gìn được bản sắc độc đáo của Bài chòi

Từ những đặc trưng trên, theo tôi, Bài chòi vẫn hấp dẫn được giới trẻ ngày nay. Tại lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tổ chức tại Bình Định ngày 5-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản quý giá này. Riêng đối với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian, kinh nghiệm muốn bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi trong đời sống hiện đại, chúng ta cần làm một số việc sau đây: Phải nhân diện rộng, đưa bài chòi về lại làng, bởi không có nơi đâu thể hiện tính cộng đồng mạnh như ở làng. Bởi vốn dĩ xưa kia, bsài chòi từ làng mà ra. Hiện nay, nghệ nhân giỏi vẫn còn. Vì vậy, cần tổ chức mở các lớp tập huấn chuyên sâu do các nghệ nhân này chủ trì, truyền dạy cho các thế hệ sau này, kể cả những người am hiểu rồi nhưng chưa sâu. Đồng thời đưa loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này vào học đường. Ở Bình Định, Phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn đang thực hiện thí điểm điều này. Theo đó, các trường THCS đã mời nghệ nhân tới tập huấn, giao những câu thai phù hợp với giới học đường, dạy cho HS cách hô, cách chơi bài chòi. Mới đây, TP Quy Nhơn tổ chức cuộc thi bài chòi với sự tham gia của 20 trường THCS. Tại H.Hoài Nhơn, một trường ở xã dạy cho HS cấp THCS. Cái hay ở trường này là nghiên cứu 12 con giáp để sáng tạo những câu thai rất thú vị, phù hợp với HS. Lớp học này do ông Đào Duy Nhơn- cháu đời thứ 14 của Đào Duy Từ- dạy. Song song đó, các địa phương nên tổ chức liên hoan tạo không khí sôi nổi để nhân dân cộng đồng hưởng thụ loại hình nghệ thuật này. Có như thế mới góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản quý báu này.

Được biết, ở Hoài Nhơn (Bình Định) có 17 xã, thị trấn thì có 17 CLB bài chòi thu hút rất đông người tham gia... Trong quá trình bảo tồn sẽ dần dần sáng tạo thêm những câu thai mới, chứ không phải truyền sao thì hô vậy. Hiện Bình Định sưu tầm trong dân gian được mấy trăm câu thai. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, đầu tư tập trung cho một số nghệ nhân, anh Hiệu, chị Hiệu- những người truyền lửa bài chòi. Tuy nhiên, muốn truyền lửa cũng cần đảm bảo cho họ sống được với nghề. Nghiên cứu nghệ thuật bài chòi có thể nhiều người làm được, nhưng để có anh Hiệu, chị Hiệu hô hay, diễn giỏi cần phải có sự đầu tư chuyên sâu. Ở Bình Định hiện còn khoảng 20 nghệ nhân giỏi có thể truyền dạy được, riêng anh Hiệu, chị Hiệu có khoảng trên 200 người. Trong quá trình bảo tồn, phát huy, cần phải làm thế nào để bài chòi phải phục vụ được du lịch. Việc đưa nghệ thuật bài chòi phục vụ du lịch sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp. TP Hội An (Quảng Nam) đã làm được điều này. Tuy nhiên, không gian tổ chức chơi bài chòi phục vụ du lịch hẹp hơn, không như không gian bài chòi dân gian.  Bình Định hiện có 2 mô hình: Bài chòi dân gian truyền thống phục vụ cho dân và khách du lịch (mô hình cứng) và Bài chòi phục khách du lịch trong khách sạn (mô hình động). Tuy nhiên, dù cải tiến thế nào thì vẫn phải giữ được bản sắc riêng có của bài chòi.

P.THỦY (ghi)