Phải hài hòa giữa phát triển và bảo tồn bán đảo Sơn Trà

Thứ bảy, 03/06/2017 14:22

(Cadn.com.vn) - Đó là gợi ý của TS - KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng xung quanh việc khai thác và bảo tồn bán đảo Sơn Trà (BĐST).

TS-KTS Tô Văn Hùng.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về dư luận khai thác và bảo tồn BĐST trong thời gian qua?

TS. KTS Tô Văn Hùng: Trước hết phải khẳng định rằng, việc bảo vệ rừng Sơn Trà không còn là chuyện của Hiệp hội Du lịch hay của UBND thành phố, mà đó là trách nhiệm của thế hệ người Đà Nẵng hôm nay và là ước muốn của tất cả những ai yêu mến thành phố bên núi bên sông này. Những câu chuyện xoay quanh việc khai thác BĐST trong thời gian gần đây phải nói là một tín hiệu đáng mừng. Bởi, qua đó đã thể hiện được những quan tâm đặc biệt của mọi người đối với sự phát triển của thành phố mà theo tôi đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét các vấn đề liên quan đến khai thác BĐST bấy lâu nay một cách khách quan, khoa học và mang tính hệ thống.

Theo quan điểm của tôi, nếu xét về điều kiện tự nhiên thì BĐST là thành phần quan trọng trong cấu trúc hệ sinh thái Núi – Sông - Biển, yếu tố tạo nên giá trị đặc trưng cho không gian đô thị Đà Nẵng mà không nơi nào có được; xét về mặt kinh tế thì BĐST là điểm đến quan trọng trong hoạt động du lịch, là thương hiệu không chỉ dành riêng cho Đà Nẵng mà của cả khu vực miền Trung; xét về mặt môi trường BĐST với hơn 4.400ha rừng là “lá phổi” xanh của thành phố và đặc biệt hơn cả là hệ sinh thái tự nhiên nơi đây, nơi hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có loài voọc chà vá chân nâu đang sinh trưởng tốt... Tất cả những giá trị đó đều phải được phát huy trong quá trình xây dựng thành phố hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thành phố môi trường.

P.V: Tại buổi tọa đàm về “phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà” vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng việc khai thác Sơn Trà phải hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường tự nhiên. Liệu đây có phải là một thách thức không thưa ông?

TS. KTS Tô Văn Hùng: Nếu chỉ cực đoan chọn 1 trong 2 cách trên thì hoàn toàn không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Theo tôi, trong quá trình phát triển thì cần phải đặt mọi sự vật trong sự vận động, việc thay đổi cảnh quan thiên nhiên là tất yếu trong đó phải thừa nhận con người và hoạt động con người là thành phần không thể thiếu của hệ sinh thái đô thị. Do đó mục tiêu bảo tồn và phát triển phải luôn song hành. Nhưng điều quan trọng nhất mà hiện nay chưa được trả lời một cách thấu đáo, đó là bảo tồn cái gì và phát triển như thế nào, đâu là “ngưỡng” để không phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên bởi lẽ mỗi môi trường sinh thái chỉ thích ứng với một giới hạn tác động nhất định, đặc biệt là sự can thiệp của con người. Sự tăng hay giảm cường độ tác động ra ngoài giới hạn thích hợp của hệ sinh thái sẽ tác động đến chất lượng môi trường và khả năng tồn tại sinh vật.

Bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao.

P.V: Vậy, để giải quyết vấn đề giữa khai thác và bảo tồn Đà Nẵng cần phải làm gì?

TS. KTS Tô Văn Hùng: Để giải quyết vấn đề cội rễ ở đây, theo tôi cần phải tính đến các yếu tố sau:

Về vấn đề bảo tồn: Bảo tồn trước tiên chính là hệ sinh vật của BĐST, trong đó xác định rõ loài thực vật nào, động vật nào cần bảo tồn, chắc chắn rằng voọc chà vá chân nâu cần được chú trọng. Tuy nhiên, không có nghĩa là bất cứ loài sinh vật nào cũng phải bảo tồn. Chẳng hạn như dây leo bìm bìm hoa trắng tuy là thức ăn mà voọc ưa thích nhưng lại là vấn nạn tấn công Khu Bảo tồn thiên nhiên BĐST đã khiến chính quyền thành phố trong thời gian dài tìm cách xử lý. Do đó, câu trả lời chính xác cho vấn đề cần bảo tồn cái gì, bảo tồn như thế nào trong điều kiện hiện nay rất cần các chuyên gia trong lĩnh vực sinh thái học lên tiếng thông qua những phương pháp nghiên cứu mang tính khoa học và khách quan. Và tôi cho rằng, việc bảo tồn cũng phải gìn giữ và phát huy các giá trị nhân tạo mà con người đã tạo ra trong quá trình hình thành và phát triển của BĐST.

Về khai thác phát triển: Theo tôi, mức độ khai thác phục vụ cho du lịch là bao nhiêu thì phù hợp phải dựa trên những tính toán thật chặt chẽ, thể hiện bằng các con số cụ thể để chứng minh. Việc lưu trú ở đây hay hoạt động tham quan trên BĐST sẽ gây ra những tác động tiêu cực gì, mức độ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường (ví dụ như lượng nước tiêu thụ là bao nhiêu, nguồn nước ở đâu, diện tích chiếm dụng đất đai tự nhiên ra sao, lượng rác thải cần phải xử lý như thế nào...). Tuy nhiên ở đây, cần nhìn nhận một cách công bằng rằng, không phải tất cả các dự án triển khai xây dựng nào cũng có tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái của khu vực bán đảo. Nếu chúng ta biết vận dụng các giải pháp hợp lý từ thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, khai thác năng lượng xanh, tái tạo chất thải hay tận dụng tối đa điều kiện địa hình tự nhiên... thì các yếu tố nhân tạo này vẫn mang lại những giá trị tích cực cho môi trường, góp phần nâng cao giá trị cảnh quan của khu bảo tồn thiên nhiên. Điển hình, dự án InterContinental Danang trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên trong lịch sử của WTA và duy nhất trên thế giới ba năm liên tiếp 2014, 2015 và 2016 đạt được giải thưởng danh giá “Oscar của ngành du lịch toàn cầu” là một minh chứng.

Rõ ràng, việc khai thác và bảo tồn khu thiên nhiên BĐST phải hài hòa với nhau nhưng khai thác không được chặt phá cây có đường kính lớn, những loài thực vật nào là nguồn dinh dưỡng chính cho voọc thì cần được chăm sóc bảo vệ, quy định những loại cây được phép và không được phép trồng tại các dự án nhằm đảm bảo tính quần thể, phù hợp với hệ sinh vật nơi đây; quy định chặt chẽ mật độ xây dựng tối đa bao nhiêu, công trình xây dựng cao bao nhiêu mét, sử dụng vật liệu gì, tiết kiệm năng lượng ra sao, không được làm thay đổi địa hình tự nhiên...

Trên cơ sở các tiêu chí cụ thể đó, thành phố tiến hành rà soát các dự án đã được phê duyệt trước đây, yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp. Đồng thời, thu hồi các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư không triển khai, dự án kéo dài nhiều năm đảm bảo đúng quy định, tạo điều kiện tăng diện tích cây xanh cho bán đảo.

Cuối cùng xin mượn ý của GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khi nói về quy hoạch đô thị Đà Nẵng, đó chính là chúng ta ứng xử một cách thận trọng, hài hòa đối với khu BĐST vô giá này.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Xuân Đương
(thực hiện)