Phải làm sao để học tập là nhu cầu tự thân của mỗi người
(Cadn.com.vn) - Một lần nữa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, cộng đồng học tập, học tập suốt đời... lại được nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai đại trà các mô hình học tập theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo điểm đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư 44 Bộ GD-ĐT, do Hội Khuyến học Việt Nam (HKHVN) phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28-12 tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội KHVN, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KHVN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội KHVN chủ trì hội nghị. Ảnh: P.T |
Đánh giá cao vai trò của công tác tuyên truyền
Báo cáo sơ kết do GS.TS Phạm Tất Dong trình bày tại hội nghị cho thấy: Sau 1 năm triển khai đại trà các mô hình học tập theo QĐ 281 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các địa phương đã hoàn thành vượt mức yêu cầu chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, về xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, cả nước có 4.659.064 gia đình/7.036.583 gia đình đăng ký được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, chiếm 20,25% (chỉ tiêu là 18%). TP Hồ Chí Minh đứng đầu trong 10 tỉnh thành có số lượng nhiều nhất về “Gia đình học tập” được công nhận (Đà Nẵng xếp thứ 9/10). Về mô hình “Dòng họ học tập”, có 35.710/57.222 dòng họ đăng ký thi đua đạt tiêu chí này, trong đó Thanh Hóa đứng đầu trong 10 tỉnh thành có số lượng nhiều nhất về “Dòng họ học tập” được công nhận. Mô hình “Cộng đồng học tập”, có 37.308/64.196 thôn, xã, tổ đăng ký đạt được danh hiệu này, trong đó Thanh Hóa và Đà Nẵng là 2 tỉnh thành đứng đầu trong tốp 10 tỉnh thành có số lượng “Cộng đồng học tập” nhiều nhất...
Đối với công tác chỉ đạo điểm xây dựng mô hình cộng đồng học tập cấp xã (TT 44), đã có 2.891 đơn vị hành chính đăng ký trở thành cộng đồng học tập cấp xã. Trong năm 2016, đã có 2.397 xã đã được chỉ đạo điểm đánh giá, xếp loại, trong đó có 728 xã đạt 15 tiêu chí, 739 xã đạt từ 11-14 tiêu chí, 505 xã đạt từ 8-10 tiêu chí và 425 xã đạt dưới 8 tiêu chí...
Trong quá trình triển khai thực hiện QĐ 281 cũng như TT44, các cấp Hội ở các địa phương đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điều này đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị. Đáng chú ý là ý kiến đóng góp của Hội KH tỉnh Lào Cai, Đà Nẵng về việc cần xem xét, điều chỉnh các tiêu chí, chỉ tiêu cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển KT-XH của từng vùng miền, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; lồng ghép các danh hiệu thi đua vào trong phong trào văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới; tránh để việc xây dựng các mô hình đi vào hình thức...
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự chủ động của Hội Khuyến học các tỉnh, thành trong việc phối hợp với các Sở GD-ĐT, các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND các tỉnh, thành chăm lo đến sự nghiệp phát triển GD-ĐT...Theo đó, những kết quả khả quan đã thực hiện được trong 1 năm qua đối với QĐ 281 và TT 44 là tiền đề để tiếp tục thực hiện tốt trong những năm tiếp theo. Đà Nẵng là một trong những điển hình trong triển khai các mô hình này... Ngoài sự quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền, sự vào cuộc các tổ chức xã hội, sự sáng tạo, chủ động của các cấp Hội Khuyến học, thành quả có được trong năm qua còn nhờ vào sự đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, một khi làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được học chính là cho bản thân mình, cho gia đình, cho cộng đồng xã hội và học tập trở thành nhu cầu tự thân thực sự của mỗi người thì sẽ xây dựng thành công xã hội, cộng đồng học tập...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu các tỉnh, thành về tính khả thi của các tiêu chí, sẽ nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn tình hình của mỗi địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, vẫn còn một số địa phương, Sở GD-ĐT chưa phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học trong quá trình triển khai thực hiện. Cần rút kinh nghiệm điều này để thực hiện tốt trong thời gian tới...Bởi lẽ khuyến học, xây dựng xã hội học tập là nền tảng, động lực để phát triển sự nghiệp GD-ĐT nước nhà...
Các đại biểu hưởng ứng chương trình phát động của Hội KHVN đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề trong các đợt mưa lũ vừa qua. |
Truyền lửa, lan tỏa ngọn lửa khuyến học
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 1 năm qua trong triển khai đại trà các mô hình học tập, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, tuy hoạt động trong điều kiện khó khăn về kinh phí, khó khăn về điều kiện hoạt động và cả sức khỏe (do cán bộ làm công tác khuyến học phần lớn là lớn tuổi), nhưng các cấp Hội Khuyến học từ T.Ư đến địa phương đã triển khai công tác, nhiệm vụ hết sức bài bản, khoa học. Chủ tịch Hội Khuyến học các tỉnh thành đã thể hiện được vai trò đầu tàu của mình. Tuy cách làm mỗi địa phương có khác nhau nhưng đều thể hiện cách làm sáng tạo, chủ động và có nhiều đổi mới trong các hình thức vận động và thúc đẩy phong trào. Vì làm tốt công tác vận động nên hầu như 100% cấp ủy đảng, chính quyền cùng vào cuộc... Tất cả đã thể hiện được tầm, tâm huyết và quyết tâm cao độ của những người làm công tác khuyến học, nhờ thế đã truyền được ngọn lửa này đến các gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Bên cạnh việc nêu ra những bài học kinh nghiệm, Chủ tịch Hội KHVN Nguyễn Thị Doan cũng đã chỉ ra những vướng mắc, tồn tại mà QĐ 281 thời gian tới cần phải làm đó là: Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền của nhiều địa phương trong cả nước về sự học chưa thực sự thống nhất. Chính điều này đã dẫn đến khó khăn cho các Hội không có kinh phí hoạt động. Bộ tiêu chí của 281 có một số tiêu chí khó định lượng. Theo đó Ban chỉ đạo 281 cần phải nghiên cứu lại sao cho thật sâu sát để dễ vận dụng hơn, ví dụ đánh giá như thế nào về tiêu chí tự học, đánh giá như thế nào về tiêu chí tác động của sự học đối với gia đình...v.v; thủ tục đăng ký và công nhận các các mô hình còn quá rườm rà... Đặc biệt cần nghiên cứu việc lồng ghép các danh hiệu thi đua: gia đình học tập, dòng họ học tập.. vào trong phong trào văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới...
Đối với TT 44, những kết quả đạt được trong năm qua là nền tảng hết sức quan trọng để Bộ GD- ĐT tiếp tục triển khai trong thời gian tới được tốt hơn... Tuy nhiên, Chủ tịch HKHVN Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải tu chỉnh lại bộ tiêu chí của TT 44 trình Chính phủ xem xét, công nhận để áp dụng cho các xã. Cũng theo bà Nguyễn Thị Doan, muốn thực hiện tốt TT 44 thì tất cả các Sở phải vào cuộc và Bộ GD-ĐT phải có văn bản nhắc việc, chỉ đạo cụ thể... Chủ tịch HKHVN hy vọng và tin tưởng, thời gian tới, QĐ 281 và TT 44 sẽ thực sự đi vào cuộc sống, là nền tảng và dấu ấn hết sức quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của nước nhà phát triển.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội KHVN, các đại biểu đã tham gia đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề trong những đợt mưa lũ vừa qua...
Khánh Yên