TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TINH GIẢN BIÊN CHẾ VÀ CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC:

Phải quy hoạch lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ tư, 13/01/2016 07:59

(Cadn.com.vn) - Ngày 12-1, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tinh giản tối thiểu là 10% biên chế

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương, năm 2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện Nghị quyết này, cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai tại Quyết định số 2218/QĐ-TTg. Theo Kế hoạch đề ra, đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của Bộ, ngành, địa phương so với biên chế được giao của năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì Bộ, ngành, địa phương phải tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh..., có thể bổ sung biên chế, nhưng phải quản lý chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước khác ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế sau khi thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế của cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương. Hàng năm, giảm 50% số biên chế thuộc diện tinh giản và giảm 50% biên chế của số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.

Chạm đến lợi ích  cán bộ, công chức

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là một công việc khó vì động chạm đến lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng đặt vấn đề thực hiện tinh giản biên chế nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao đối với ngành Tư pháp là có sự mâu thuẫn bởi các nhiệm vụ chính trị được giao của ngành ngày càng tăng. Những năm qua, ngành Tư pháp đã được giao bổ sung nhiều chức năng, nhiệm vụ như quản lý lý lịch tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, quản lý về vấn đề bồi thường Nhà nước... do vậy không thể không tăng thêm biên chế, tăng thêm tổ chức bộ máy ở cả Trung ương và địa phương. Để đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ đó, phải có con người, tài chính, trang thiết bị cơ sở vật chất. Theo ông Đinh Trung Tụng, tinh giản biên chế phải đi liền nâng cao chất lượng cán bộ, tinh gọn bộ máy, nhiệm vụ nào cần phải bố trí nhân lực, cần rà soát kỹ từng Bộ, ngành, địa phương, gắn với đề án tinh giản biên chế.

Nhiều địa phương bày tỏ việc tinh giản biên chế đối với đơn vị sự nghiệp là không ít khó khăn. Chẳng hạn như đối với ngành giáo dục, không thể giảm số giáo viên đứng lớp mà chỉ có thể giảm được biên chế khối hành chính. Một trong những giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế là rà soát lại các đơn vị hoạt động không hiệu quả, trùng lặp chức năng nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian. Song, điều đáng nói là ở một số tỉnh, khi rà soát, sắp xếp lại bộ máy để tinh giản biên chế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành lại vấp phải sự phản ứng của các Bộ, ngành dọc. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho hay: số đơn vị sự nghiệp của các sở là khá nhiều nhưng đụng vào sở thì Bộ lại có ý kiến, là hệ thống ngành dọc, Trung ương có, địa phương cũng phải có, không thể mất hệ thống chân rết. Cùng quan điểm, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhìn nhận: một số ngành như giáo dục, y tế, nông nghiệp có nhiều đơn vị sự nghiệp, khi rà soát để sát nhập hoặc giảm bớt đầu mối rất khó khăn do chưa được sự ủng hộ nhất trí của các Bộ, ngành. Cần rà soát, sáp nhập, giảm đầu mối các cơ quan sự nghiệp mới có thể thực hiện tốt việc tinh giản biên chế - bà Hoa nhận định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cảnh báo: Có xu hướng một mặt tinh giản biên chế nhưng một mặt lại thành lập mới bộ máy tổ chức, số lượng tinh giản không đáng là bao trong khi đó vẫn thành lập mới, nếu không cẩn thận, cái nọ bù cái kia, sẽ không tinh giản được. Thứ trưởng cho rằng phải quy hoạch lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thu Thủy – TTXVN