Phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn Nhà nước

Thứ ba, 22/10/2013 23:31

(Cadn.com.vn) - Bên lề Quốc hội, P.V đã trao đổi với các vị ĐBQH về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và công tác phòng, chống tham nhũng.

Đề cập về giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Đoàn ĐBQH Thái Bình) cho rằng những giải pháp của Chính phủ đề ra không có gì phải bàn, tuy nhiên, cần cụ thể hóa chính sách cũng như có những “liều lượng” phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Trong thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng), cách đột phá hiện nay là cải cách thể chế và có thể làm được ngay. Bởi tất cả những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, chính sách phải làm trước và phải có sự đồng bộ, nhịp nhàng. Các vấn đề phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cũng phải làm nhưng cần có thời gian và điều kiện về vật chất cũng như sự chuẩn bị “chu đáo” lâu dài.

Đề cập đến các giải pháp phát triển KT-XH thời gian tới, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) cho rằng, giải pháp trước mắt là phải tăng cường quản lý các doanh nghiệp và Tổng công ty nhà nước; cổ phần hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phải xác định kinh tế nhà nước là chủ đạo... Theo ĐBQH Trần Ngọc Vinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn kém hiệu quả là do phát triển ồ ạt nhiều loại hình kinh tế; chưa lường hết khó khăn trước mắt và lâu dài trong hoạt động kinh doanh; nhà nước quá ưu ái cho vay tín dụng ưu đãi. Thực tế giám sát ở Hải Phòng cho thấy, hiện nay còn tồn đọng nhiều vụ án chưa được xử lý, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn kém hiệu quả, không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng. Để hạn chế tình trạng nợ xấu, các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải thực hiện theo Luật đầu tư, Luật đấu thầu; siết chặt cho vay ưu đãi, nhằm sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Trao đổi về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng: Các quy định của Luật PCTN hiện nay là khá đầy đủ, chặt chẽ và đang được triển khai rất tích cực. Ví dụ như trong các cơ quan hiện nay các nguồn thu, chi đã được kê khai minh bạch, mọi người đều biết. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn hiện nay là công tác tổ chức thực hiện có đúng với những quy định trong Luật hay không? Theo ĐB Thảo, PCTN không thể giải quyết dứt điểm ngay mà cần kiên trì triển khai thường xuyên, liên tục, mới đạt kết quả. Thời gian qua, các cơ quan chức năng về điều tra, xét xử đã làm được nhiều việc trong đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức nên người dân chưa thấy rõ vai trò của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh PCTN. Nếu chỉ nhìn vào những vụ án lớn chưa xử lý dứt điểm mà đánh giá công tác PCTN thời gian qua là chưa công bằng cho lắm, mà cần phải đánh giá tổng thể, khách quan.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, các giải pháp, biện pháp PCTN đã được đề cập trong Chương trình, kế hoạch PCTN, lãng phí giai đoạn 2011- 2016. Hằng năm, Chính phủ đều có báo cáo về PCTN. Để có giải pháp đột phá đẩy lùi tham nhũng, Quốc hội cần ra Nghị quyết riêng, trong đó nhấn mạnh các cơ quan bộ, ngành phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực như: tài chính, ngân hàng, đất đai, tài nguyên thiên nhiên... Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường kiểm tra các tập toàn, Tổng công ty lớn. Các cơ quan điều tra phải tập trung khám phá những vụ án lớn ở các lĩnh vực trọng điểm về sử dụng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2014, Chính phủ, Viện KSND tối cao phải giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng; kiên quyết rà soát lại các vụ lớn nghiêm trọng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.