Phải tăng tốc giải ngân đầu tư công

Thứ tư, 08/06/2022 14:58
Tới 31-5 Đà Nẵng mới giải ngân đầu tư công đạt 20% chỉ tiêu T.Ư giao. Giải pháp nào để những tháng còn lại TP giải ngân đạt 100% theo kế hoạch vốn gần 6 ngàn tỷ đồng năm nay?
Tăng tốc thi công đường Vành đai phía Tây 2.
Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành.

Vì sao tiêu tiền chậm?

Năm nay, Trung ương giao cho Đà Nẵng phải giải ngân đầu tư công hơn 5.963 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tiêu Hội đồng nhân dân TP giao hơn 7.880 tỷ đồng cho 471 dự án. Bên cạnh đó, hơn 251 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương từ năm 2021 cũng được kéo dài thời gian thực hiện sang năm nay. Thống kê mới nhất, đến 31-5, Đà Nẵng mới giải ngân đạt hơn 1.178 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch trung ương giao và 15% kế hoạch HĐND TP giao. Đáng nói, vốn ngân sách trung ương giải ngân rất thấp, chỉ đạt hơn 7,8 tỷ đồng/hơn 535 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, tiến độ giải ngân đầu tư công chậm không chỉ do khâu thủ tục phức tạp, tốn thời gian, mà chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc. Nhiều dự án chuyển tiếp vướng giải phóng mặt bằng dẫn tới chậm giải ngân, nổi bật như Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Tuyến đường Trục I Tây Bắc, Dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà, Khu TĐC Tân Ninh mở rộng giai đoạn 1 và 2...

Trong khi đó, nhiều công trình mới, những tháng đầu năm là thời gian để hoàn thiện thủ tục thiết kế bản vẽ, dự toán, lựa chọn nhà thầu nên chưa khởi công được, vì vậy chưa được tạm ứng hoặc có khối lượng để giải ngân. Cụ thể như dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu chưa giải ngân 500 tỷ đồng, dự án Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên chưa giải ngân 40 tỷ đồng, dự án Đầu tư xây dựng cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chỉ giải ngân 2,6 tỷ đồng/140 tỷ đồng, dự án Đầu tư xây dựng Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng giải ngân 2,3 tỷ đồng/100 tỷ đồng...

Mặt khác, trong thời gian qua, biến động tăng giá xăng dầu, vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, cát, đá) cũng khiến các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn. Do triển khai nhiều công trình, dự án lớn cùng thời điểm, đặc biệt các dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp khiến nguồn cung vật liệu san lấp mặt bằng khan hiếm. Để có vật liệu san lấp, các đơn vị thi công đã phải vận chuyển từ các mỏ ở Quảng Nam về, chi phí tăng lên, làm chậm tiến độ công trình, tỷ lệ giải ngân vốn thấp.

Tăng tốc thi công đường Vành đai phía Tây 2.

Nhiều giải pháp tăng tốc giải ngân

Mục tiêu của Đà Nẵng vẫn sẽ giải ngân đạt 100% chỉ tiêu vốn trung ương giao, kể cả hơn 251 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2021. Để đạt mục tiêu đó, TP tập trung ưu tiên giải ngân vốn giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa và vốn ngân sách trung ương, nhất là dự án bến cảng Liên Chiểu, dự án Phát triển bền vững TP và dự án Cải thiện hạ tầng giao thông Đà Nẵng. Đặc biệt, TP sẽ dùng giải pháp mạnh, cắt giảm kế hoạch vốn với các công trình chậm, khó có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án có nhu cầu.

Với các dự án đang thi công dang dở, gặp vướng mắc về mặt bằng, nguyên liệu... TP sẽ đôn đốc tháo gỡ, đưa dự án vào sử dụng đúng cam kết. Nổi bật trong số đó là dự án nâng cấp đường ĐT 601, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường Vành đai phía Tây và Vành đai phía Tây 2, Khu công viên phần mềm số 2, dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà... Đây đều là các dự án có vốn đầu tư công lớn, nhất là các dự án giao thông, nhưng thi công kéo dài, chậm tiến độ, chậm giải ngân.

Ngoài ra, với giải pháp đã thực hiện, Đà Nẵng vẫn duy trì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Cụ thể, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP về tiến độ giải ngân đầu tư công, xem đó là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Thậm chí, xem xét kỷ luật, điều chuyển, thay thế các cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn, có hành vi tiêu cực, yếu kém về năng lực trình độ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công, làm chậm trễ tiến độ thực hiện triển khai các công trình, chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công thì xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và các cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đề xuất trung ương cho phép điều chỉnh giảm Kế hoạch vốn năm 2022 đối với nguồn vốn vay lại của trung ương vay nước ngoài từ 547,5 tỷ đồng xuống còn 129 tỷ đồng do tình hình thực tế triển khai và nhu cầu vốn thực hiện dự án trong năm 2022. Kiến nghị trung ương đưa số vốn 500 tỷ đồng của dự án đường ven biển Nguyễn Tất Thành nối với cảng Liên Chiểu vào kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là giải pháp quan trọng giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, tuy vậy tốc độ giải ngân thời gian qua của Đà Nẵng còn thấp. Kỳ vọng, với nhóm giải pháp quyết liệt, trong thời gian còn lại, Đà Nẵng sẽ thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch T.Ư giao như mục tiêu đề ra.

HẢI QUỲNH