Phải thay đổi cách thức đấu tranh ngăn chặn sản phẩm văn hóa độc hại
“Cần phải thay đổi nhận thức và hành động trong việc đấu tranh, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại trong tình hình hiện nay”, đó là đề nghị của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” vừa được Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày hôm qua (29-5).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo hội nghị. |
Nhiều thách thức đặt ra
Ông Đoàn Xuân Hiếu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn xác định việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, cùng với các chương trình như thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” và “Năm văn hóa văn minh đô thị”; thành phố cũng luôn tập trung đấu tranh, quản lý, kiểm soát nhằm hạn chế việc xâm nhập, phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo môi trường lành mạnh, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cho rằng, với tiến trình toàn cầu hóa, đất nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng cũng chịu những tác động tiêu cực mà phần lớn các nước trên thế giới đều gặp phải. Đó là sự tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa ngoại lai làm ảnh hưởng văn hóa dân tộc; tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường làm cho văn hóa biến dạng, kéo theo sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhu cầu giải trí qua các hoạt động văn hóa ngày càng tăng, xu hướng thương mại hóa qua các hoạt động văn hóa ngày càng phát triển, khiến cho vai trò giáo dục, định hướng đạo đức thẩm mỹ của văn hóa, tác động tích cực vốn có của văn hóa vào đời sống xã hội có lúc bị xem nhẹ.
Theo ông Hiếu, bên cạnh những mặt tích cực đem lại, thì sự bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ số hiện nay cũng dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong việc kiểm soát, ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng xã hội, mạng internet, diễn đàn, blog cá nhân... Thông tin đa chiều, được cập nhật nhanh có mặt tích cực nhưng cũng đã tác động tiêu cực đến định hướng thông tin, văn hóa, nhất là thế hệ trẻ...
Đại tá Trần Đình Liên, Phó Giám đốc CATP nhìn nhận, việc giao lưu kinh tế, văn hóa, một mặt tạo điều kiện tốt cho Đà Nẵng tiếp thu những tinh hoa của thế giới; mặt khác cũng dễ gây ra những tác động ảnh hưởng xấu, nhất là về văn hóa. Vì vây, để thực hiện tốt Chỉ thị 46 của Ban Bí thư, Đại tá Trần Đình Liên cho biết lực lượng CATP đã xây dựng, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động mua bán, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Theo Đại tá Liên, kết quả nổi bật là CATP đã phối hợp với lực lượng có liên quan tiến hành rà soát, nhận diện các hành vi lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách, qua đó phát hiện nhiều loại ấn phẩm văn hóa không phù hợp, vi phạm chủ quyền quốc gia, tiến hành thu giữ, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn thành phố. “Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, thu giữ hàng ngàn đĩa DVD, sách, báo, tạp chí có nộng dung phản động, kích động chống phá chế độ, độc hại, lai căng; tịch thu hơn 100 ngàn băng đĩa phim, băng đĩa nhạc, hàng ngàn ấn phẩm sách báo không đúng quy định; đặc biệt đã tiêu huỷ gần 500 cuốn lịch bàn, sổ tay in hình bản đồ Việt Nam không thể hiện chủ quyền biển đảo”..., Đại tá Liên cho hay.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố cho rằng, hiện nay, ngoài các sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy, phản động, chúng ta cũng cần phải chú ý đến các sản phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo. “Lâu nay chúng ta quên một điều là vi phạm đến quyền, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đó cũng là cái mà chúng ta rất cần phải đấu tranh, loại bỏ. Việc đấu tranh chống lại các sản phẩm văn hóa độc hại, quan trọng hơn đối với Đà Nẵng đó là làm thế nào chống được, ngăn cản được các tác phẩm vi phạm đến chủ quyền biển đảo hiện nay”, ông Tiếng nói.
Cần thay đổi nhận thức về “chống”
Khẳng định sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 46, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả rất tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố, tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng lưu ý trong bối cảnh hiện nay, cần phải nhìn nhận, đánh giá lại việc thực hiện Chỉ thị này. Cho rằng Chỉ thị 46 ban hành cách đây 10 năm, và trong 5 nội dung đề ra thì rõ ràng đến thời điểm này đã có những điểm không còn phù hợp với thực tiễn. “Hiện nay chúng ta đang sống trong thế giới của khoa học công nghệ và mạng xã hội, vì vậy chúng ta cần phải nhận thức lại, bởi các sản phẩm độc hại ấy đang hiện hữu, vây quanh chúng ta hàng ngày”, ông Quảng nói. Đồng thời cho biết, trong nhận thức, hầu như chúng ta vẫn nghĩ “chống sự xâm nhập” là việc ngăn chặn từ bên ngoài, các sản phẩm độc hại ấy đang ở đâu đó xâm nhập vào thành phố, thế nhưng thực tế đã thay đổi. “Bây giờ chỉ cần nhấn nút là tất cả những sản phẩm văn hóa ấy sẽ trực diện vào từng con người cụ thể bằng các đường link trên không gian mạng. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận lại về các điều kiện để chúng ta chống sự xâm nhập trong thời gian tới”, ông Quảng nói.
Một vấn đề khác theo ông Quảng, đó là lâu nay chúng ta cứ cho rằng ở đâu đó bên ngoài, có người đang sản xuất ra những sản phẩm văn hóa độc hại để đưa vào đất nước, thành phố; tuy nhiên thực tiễn cho thấy, ngay chính trong nội địa lại là nơi sản xuất ra các sản phẩm độc hại để phát tán, tuyên truyền. Ông Quảng đơn cử như vừa qua, Đà Nẵng đã phát hiện một ổ nhóm (gồm cả người nước ngoài và Việt Nam) tổ chức sản xuất sản phẩm văn hóa đồi trụy để chuyển ra nước ngoài. Hay như các sản phẩm văn hóa độc hại về tư tưởng chính trị cũng do rất nhiều các thế lực thù địch ở trong chính nội địa của chúng ta sản xuất, sau đó chuyển ra các máy chủ ở nước ngoài phát tán vào trong nội địa... “Nói để thấy, chúng ta không nên nghĩ hiện nay ai đó đang mang các sản phẩm ấy từ ngoài vào và việc của chúng ta là ngăn chặn từ xa, thực tế thì có nhiều sản phẩm được sản xuất và phát tán ngay từ trong nội địa”, ông Quảng nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, việc phòng ngừa, ngăn chặn phải bắt đầu từ trong tư tưởng, nhận thức của mỗi cá nhân chứ không còn đơn thuần là chỉ phòng ngừa từ bên ngoài xâm nhập vào...
Liên quan đến nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cơ bản thống nhất với 9 nội dung, biện pháp nêu trong báo cáo; ngoài ra cũng đề nghị cần phải tích hợp, triển khai một cách đồng bộ với các văn bản khác có liên quan. Cụ thể như Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; Thông báo số 213 của Ban Bí thư (khóa X) về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học – nghệ thuật”; Chỉ thị 42 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2020”; Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Bên cạnh đó, còn có Chương trình hành động số 39 ngày 31-1-2020 của Thành ủy nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 43 của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 25-12-2014 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Năm văn hóa văn minh đô thị”.
DOÃN HÙNG