Phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm dự án cao tốc Bắc-Nam

Thứ sáu, 02/06/2023 10:41
Tại Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc vào sáng 1-6, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc. Đến nay, đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.270km. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương cũng như nhiều đơn vị đều đưa ra nhận định cần phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để dự án cao tốc Bắc-Nam đạt hiệu quả đầu tư cũng như tiến độ hoàn thành.

Qua quá trình thực hiện, Thứ trưởng Thọ cho biết Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy cần có diễn đàn trao đổi kinh nghiệm bài học rút ra từ thực tiễn như công tác chỉ đạo, triển khai lập dự án, chủ trương đầu tư, thi công, quản lý dự án… để có cách làm hiệu quả để đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết kế mỹ thuật, môi trường, an ninh trật tự, nhằm đạt hiệu quả cao nhất đồng thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn về thủ tục, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, tổ chức thi công và quản lý dự án...

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông Vận tải (TEDI), quá trình khảo sát thiết kế luôn đảm bảo đầy đủ để có các số liệu sát với thực tế và đáp ứng được các yêu cầu của công tác thiết kế trong từng giai đoạn thực hiện, tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dự án. Mặt khác, TEDI cũng kiểm soát chất lượng thiết kế từ khâu số liệu đầu vào; xử lý các bất cập biến động về đơn giá nguyên vật liệu, định mức thi công đồng thời khuyến nghị chủ đầu tư rà soát đánh giá chất lượng năng lực các nhà thầu tư vấn để lựa chọn được tư vấn có năng lực tốt nhất; có quy định cụ thể các tiêu chí để lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện công tác khảo sát, thiết kế.

Là đơn vị triển khai 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thừa nhận hiện nay, vấn đề vật liệu xây dựng nói chung, vật liệu cát đắp nền nói riêng là vô cùng khó khăn. Do vậy, để chuẩn bị triển khai dự án, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định vùng, nguồn cung cấp vật liệu cho dự án, đăng ký làm việc với từng địa phương trong vùng để khảo sát chất lượng, trữ lượng, khả năng khai thác và cung cấp cho dự án, đăng ký với địa phương có nguồn vật liệu để xây dựng kế hoạch, hoàn thiện cái thủ tục cần thiết theo quy định về mở mỏ vật liệu mới, nâng công suất các mỏ đang khai thác... Đặc biệt, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đang phối hợp với các bên liên quan thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án cao tốc Hậu Giang-Cà Mau.

Nhìn nhận việc công bố chỉ số giá của địa phương còn chậm, không cập nhật kịp thời theo diễn biến của thị trường dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý chi phí của các dự án, rút kinh nghiệm từ các dự án đã triển khai, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị các chủ đầu tư, ngay trong bước lập dự án cần rà soát và sớm có ý kiến với Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương công bố giá chỉ số giá phù hợp theo kịp diễn biến thị trường, đặc biệt là các vật tư, vật liệu phổ biến tại địa phương được đưa vào sử dụng cho dự án để có cơ sở thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Tho cho biết, bộ và các địa phương sẽ có kiến nghị với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, tổ chức thi công, quản lý dự án, trong đó, đối với công tác giải phóng mặt bằng, quá trình lập dự án cần ưu tiên bước khảo sát thiết kế, định hướng tuyến ngay từ ban đầu, xác định bình đồ không thay đổi, lấy đó làm cơ sở cắm mốc giải phóng mặt bằng, triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng.

Việt Hùng