Phái viên Hàn Quốc đến Triều Tiên thúc đẩy phi hạt nhân hóa
Ngày 5-9, Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Chung Eui-yong đã khởi hành tới Triều Tiên tham gia cuộc đàm phán về cuộc gặp thượng đỉnh được đề xuất giữa lãnh đạo hai nước, đồng thời xúc tiến cuộc đàm phán đang bị bế tắc về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Ông Chung Eui-yong (thứ 3 từ phải sang) cùng 4 thành viên khác, khởi hành từ sân bay Seongnam, Seoul để đến Bình Nhưỡng. Ảnh: Yonhap |
Cùng đi với ông Chung Eui-yong đến Bình Nhưỡng còn có 4 đại diện khác, bao gồm Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon và Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung.
Phái đoàn Hàn Quốc đã gặp ông Kim Yong-chol, một quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên trong các cuộc đàm phán với Hàn-Mỹ. Các quan chức Hàn Quốc sau đó được yêu cầu chuyển đến một địa điểm không được tiết lộ để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức, dẫn đến nhiều đồn đoán rằng các cuộc đàm phán có thể liên quan đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trước đó, vào ngày 5 và 6-3, 5 quan chức này đã thăm Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, đặt nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4, và nối tiếp đó là cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singapore ngày 12-6.
Chuyến đi lần này đến Bình Nhưỡng nhằm mục đích sắp xếp cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều. Hai nhà lãnh đạo đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương thứ hai tại Panmunjom vào ngày 26-5 và sau đó thống nhất tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba ở Bình Nhưỡng trong tháng này.
"Đầu tiên, phái đoàn sẽ tìm cách bàn bạc một ngày cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh Hàn -Triều mà hai nước thống nhất tổ chức ở Bình Nhưỡng trong tháng 9", ông Chung cho biết tại cuộc họp báo hôm 4-9. "Thứ hai, hai bên sẽ thảo luận các cách để phát triển mối quan hệ Nam-Bắc bằng cách thực hiện Tuyên bố Panmunjom", ông nói thêm. Ông Chung đồng thời khẳng định, Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy một tuyên bố chung nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trong năm nay với phía Mỹ.
Các cuộc đàm phán hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên dường như đạt đến một mức độ chưa từng thấy sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều hồi tháng 6. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ sau khi ông Trump hoãn chuyến đi đến Triều Tiên được lên lịch trình của Ngoại trưởng Mike Pompeo, viện dẫn lý do Bình Nhưỡng thiếu tiến bộ trong quá trình phi hạt nhân hóa.
Chuyến đi của ông Chung diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại về sự khác biệt giữa tốc độ tiến triển của quan hệ liên Triều với tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là sau cuộc gặp Thượng đỉnh Moon- Kim lần 3. Nhiều người Hàn Quốc và Mỹ tin rằng, bất cứ tiến triển nào của quan hệ Hàn- Triều nhờ việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên có thể làm suy yếu hoặc triệt tiêu thiện chí phi hạt nhân hóa để đổi lấy đảm bảo về an ninh cũng như hỗ trợ về kinh tế từ Mỹ và các đồng minh.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump tối 4-9, ông Moon Jae-in cho rằng, việc cải thiện quan hệ liên Triều sẽ chỉ hỗ trợ cho những nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. "Ông Moon khẳng định rằng việc cải thiện quan hệ Hàn-Triều và giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ góp phần hoàn tất phi hạt nhân hóa bán đảo này và thiết lập hòa bình lâu dài ở đây", người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết.
Trong khi đó, ông Chung cho rằng, cải thiện quan hệ liên Triều thậm chí có thể giúp cứu vãn các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
AN BÌNH
Nga nối lại nguồn cung than đá qua Triều Tiên Ngày 5-9, hãng thông tấn Interfax dẫn lời một quan chức Nga ở vùng Viễn Đông cho biết, Moscow đã nối lại nguồn cung than đá thông qua cảng Rajin của Triều Tiên. Trước đây, Rajin là điểm trung chuyển cho hoạt động xuất khẩu than đá của Nga sang Hàn Quốc. Quyền lãnh đạo vùng Primorsky, ông Andrey Tarasenko cho biết, động thái này không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Bình Nhưỡng. Mỹ đang gây sức ép với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Hồi tháng 8, Mỹ áp đặt trừng phạt đối với 2 Cty vận tải biển và 6 tàu của Nga mà Washington cho là liên quan tới việc vận chuyển các sản phẩm dầu tinh chế sang các tàu của Triều Tiên, vi phạm những hạn chế của LHQ. |