Phải xác định được tọa độ đánh bắt thủy sản và xuất xứ của sản phẩm

Thứ tư, 04/01/2017 11:02

(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trong buổi kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng về quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông – lâm – thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại TP Đà Nẵng trong chiều 3-1 tại Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang và  Chợ đầu mối Hòa Cường.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng kiểm tra tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Sản phẩm nhập phải khai báo xuất xứ

Theo Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, tất cả sản phẩm nông – lâm - thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại Đà Nẵng ở các chợ sẽ được kiểm tra, cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; chủ hàng, chủ phương tiện nhập, vận chuyển sản phẩm phải chấp hành việc kiểm nghiệm ATTP, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và chịu trách nhiệm về hàng hóa kinh doanh của mình. Cũng theo Quyết định này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông – lâm - thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn (không thuộc sản phẩm bao gói sẵn, có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật) phải có biện pháp bảo quản để đảm bảo vệ sinh ATTP trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển và bày bán; khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ phải có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng theo quy định trên, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Đối với sản phẩm rau, trái cây và thủy sản nhập vào tiêu thụ tại TP Đà Nẵng, các chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển nhập phải thực hiện cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa nhập phải có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm như: tên loại sản phẩm, số lượng, nguồn gốc sản phẩm (đơn vị cung cấp), xuất xứ sản phẩm (nếu sản phẩm trong nước ghi cụ thể nơi sản xuất; nếu sản phẩm nhập từ nước ngoài phải ghi nước sản xuất).

Nếu hàng hóa có hóa đơn chứng từ mua bán nhưng không ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hoặc mua trực tiếp của nông dân, ngư dân không có hóa đơn chứng từ thì phải lập bảng kê khai về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai. Đồng thời, nếu nội dung kê khai không đúng sự thật mà hàng hóa đó bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về ATTP làm ảnh hưởng, thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Đối với các loại thủy sản khai thác nhập vào cảng cá trên địa bàn TP, chủ tàu cá trước khi đưa thủy sản lên cảng cá để tiêu thụ phải thực hiện khai báo về nguồn gốc, xuất xứ khai thác; xuất trình sổ nhật ký khai thác thủy sản cho BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang trước khi đưa thủy sản lên cảng cá để tiêu thụ...

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng kiểm tra tại chợ đầu mối Hòa Cường.

Chú trọng việc triển khai lấy mẫu sản phẩm

Ông Phạm Bá Hùng – Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, từ 22 giờ ngày 30-12-2016 đến nay, BQL đã tổ chức đợt ra quân cao điểm hướng dẫn cho chủ hàng, chủ tàu, chủ xe thực hiện việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, BQL đã in 400 tờ rơi tuyên truyền phát trực tiếp cho chủ hàng, chủ tàu/thuyền trưởng, chủ xe/lái xe và tổ chức tập huấn cho viên chức, người lao động, thương nhân để hướng dẫn thực hiện Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND. Vì vậy, hầu hết chủ hàng, chủ tàu, chủ xe khi đưa hàng vào chợ bán đều được hướng dẫn kê khai. Chỉ tính từ 22 giờ ngày 30-12-2016 đến ngày 3-1-2017, đã có 198 lượt chủ hàng/chủ phương tiện đã thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ, với tổng sản lượng thủy sản khai báo là 533 tấn, trong đó, số lượng tàu khai báo là 105 chiếc (bình quân 26 tàu/ngày), số lượng xe khai báo là 93 chiếc (bình quân 24 xe/ngày) và sản lượng hải sản bình quân là 133 tấn/ngày...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng,  để chủ các phương tiện biết rõ và thực hiện nghiêm chỉnh việc khai báo, kê khai nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì sau khi phát tờ rơi, BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cần phải kiểm tra, nhắc nhở và  hướng dẫn, giải thích cặn kẽ. Đồng thời, BQL và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn chỉnh việc quy trình thực hiện từ kê khai đến việc đưa sản phẩm vào chợ bán nhưng mọi thủ tục phải thật đơn giản, dễ hiểu... “Người ta đi đánh bắt cá về đã mệt mỏi mà còn gặp phải thủ tục rườm rà, phức tạp nữa thì sẽ vô cùng chán nản. Thủ tục đơn giản, dễ hiểu sẽ thuận tiện cho việc khai báo chính xác... Mục tiêu quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được tọa độ đánh bắt thủy hải sản. Vì vậy từ nay, tất cả tàu thuyền và xe chở sản phẩm vào Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đều phải khai báo xuất xứ”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Đồng chí Đặng Việt Dũng cũng yêu cầu BQL và các đơn vị liên quan cần tập trung xác định tên tuổi và lên danh sách cụ thể những tiểu thương tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã mua cá của tàu thuyền nào và sau đó sẽ đưa đến bán ở chợ nào trong thành phố... “Phải làm quyết liệt và cụ thể như vậy chúng ta mới quản lý được từ gốc đến ngọn. Một việc quan trọng cần thực hiện tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang nữa đó là công tác lấy mẫu xét nghiệm. Vì vậy, khi xe và tàu nhập hàng vào đầy đều phải tiến hành lấy mẫu hết. Có nguồn gốc rồi, có mẫu rồi thì nếu có sự cố xảy ra, sẽ biết hàng đã xuất ra lúc nào để kịp thời xử lý”-ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Đối với BQL Chợ đầu mối Hòa Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng yêu cầu cần nhanh chóng xây dựng phần mềm quản lý về số liệu, vùng rau an toàn, tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ vựa, chủ sản phẩm rau – củ - quả và tiếp tục tuyên truyền cho người dân để việc triển khai Quyết định được thuận lợi, xuyên suốt. Bên cạnh việc quản lý nguồn gốc và sản lượng, các đơn vị liên quan cần tập trung chú trọng đến việc lấy mẫu xét nghiệm.

Việc này phải được thực hiện trước Tết Âm lịch 2017 vì đây là thời điểm người dân tiêu thụ sản phẩm nhiều nhất.

Lê Hùng