Phải xây dựng “đẳng cấp văn hóa”

Thứ sáu, 31/05/2019 08:10

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của BCH Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 33), Đà Nẵng đã thu được kết quả tích cực và khá toàn diện. Tuy nhiên, để “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững thành phố” thì đang còn rất nhiều việc phải làm.

Đây là khẳng định được đưa ra tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 vừa được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày hôm qua (30-5).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí trao Bằng khen của UBND thành phố cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc. 

Nhiều chuyển biến

Tại hội nghị, ông Bùi Xuân - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Nghị quyết số 33 ngày 9-6-2014 là văn kiện quan trọng có tính chiến lược của Đảng về xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới. Để thực hiện Nghị quyết 33, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; đồng thời khẳng định “bản sắc văn hóa của người Đà Nẵng” năng động, sáng tạo, thân thiện và có nếp sống văn minh đô thị.

 Song song với đó, nếp sống văn hóa - văn minh đô thị được xây dựng, củng cố và từng bước hoàn thiện; ý thức chấp hành của nhân dân về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng cao; tăng cường tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo tầng lớp nhân dân. Các thiết chế văn hóa, các di tích lịch sử đã được đầu tư xây dựng, trùng tu tôn tạo; hoạt động sáng tác, hoạt động văn hóa nghệ thuật dần nâng cao chất lượng, thu hút sự quan tâm, thưởng thức của đông đảo người dân và du khách; góp phần vào việc phát huy, giữ gìn các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc tại địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu, giải trí của người dân và thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Xuân, thì việc thực hiện Nghị quyết thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên là việc một số cấp ủy và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, mục tiêu và động lực của văn hóa trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chưa thấu hiểu và vận dụng sáng tạo tinh thần Nghị quyết, từ đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu kiên quyết, thiếu tập trung. Một số các cơ quan, ban ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm sâu sát trong việc tổ chức, phát động các phong trào thi đua xây dựng con người theo yêu cầu của Nghị quyết nên chưa huy động tích cực công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng con người mới, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh...

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tặng Bằng khen cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Vẫn chưa thực sự ngang tầm

Đồng tình với những kết quả đạt được nêu trong báo cáo, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT thành phố cho rằng, với nhiều giải pháp được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết, văn hóa đã từng bước ăn sâu vào đời sống xã hội, của các cộng đồng dân cư, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang... Đáng mừng hơn là sự quan tâm của xã hội đến lĩnh vực văn hóa có chuyển biến, môi trường văn hóa của thành phố khá lành mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, thực tế thì việc thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế. Cụ thể là hệ thống thiết chế văn hóa đã quy hoạch nhưng chưa được thực hiện, đặc biệt là ở cơ sở (chỉ có 20/56 xã, phường có thiết chế văn hóa hoàn chỉnh); một số thiết chế văn hóa chủ lực của thành phố cũng chưa được quan tâm, đặc biệt là trung tâm văn hóa (nhà hát lớn, rạp chiếu phim); bệnh thành tích, chạy theo hình thức vẫn còn; văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa cũng chưa được chú trọng; tình trạng quảng cáo rao vặt, ăn xin biến tướng trong 2 năm đầu thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị được hạn chế tối đa, tuy nhiên gần đây có xu hướng phục hồi...

Một vấn đề được ông Hùng đặc biệt quan tâm, đó là lần đầu tiên Nghị quyết 33 đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, xã hội. Ông Hùng cho rằng, phải xem xét trên thực tế thì văn hóa đã được đặt ngang hàng hay chưa? Với ông thì khẳng định có quan tâm nhưng chưa xứng tầm. Điển hình là sự đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất... vẫn chưa tương xứng.

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật thành phố nhìn nhận, muốn cho văn hóa đặt ngang hàng với chính trị, xã hội, kinh tế thì trước hết cần phải có những “Hồ Nghinh trong thời đại mới”. Ông Tiếng bày tỏ mong muốn Thường trực cấp ủy hiện nay cũng như trong tương lai sẽ có những “Hồ Nghinh” như vậy. Bởi theo ông, thực ra mối quan tâm giữa kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế tùy thuộc phần lớn vào người đứng đầu. Nếu người đứng đầu thực sự có đẳng cấp văn hóa thì chắc chắn đẳng cấp văn hóa của địa phương đó nhất định sẽ có chuyển biến tốt. “Suy cho cùng, việc thực hiện Nghị quyết 33 là để người Việt mình, cho dân tộc mình, đất nước mình có đẳng cấp văn hóa. Ở đời hơn nhau là đẳng cấp văn hóa. Chúng ta phấn đấu để thực hiện tốt Nghị quyết 33 không chỉ để làm cho văn hóa có đời sống phát triển mà làm sao để tạo cho con người Việt Nam có một đẳng cấp văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà trong nghị quyết lại có hai chủ thể là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa

Ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn thành phố thời gian qua khá nghiêm túc, với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, trong đó có những cách làm riêng có của Đà Nẵng. Theo ông Trí, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện và khách quan thì thành phố cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Những mặt tốt, tích cực của con người Đà Nẵng được phát huy và đề cao, sự đồng thuận xã hội với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố được củng cố; đời sống văn hóa và mức hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn thành phố được nâng cao...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Thành ủy. Gắn việc thực hiện Nghị quyết số 33 với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, thiết thực. 

Bên cạnh đó cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí cho hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật của thành phố, tương xứng với sự phát triển kinh tế của thành phố. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Tăng cường tuyên truyền trên nhiều hình thức khác nhằm xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện về thẩm mỹ, nhân cách và tri thức hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ; giáo dục kỹ năng sống; ý thức cá nhân tuân thủ pháp luật; giáo dục thể chất đáp ứng yêu cần, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị quyết.

DOÃN HÙNG