Phải xem cải cách hành chính là công cụ chống nhũng nhiễu
Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Sở Nội vụ về công tác cải cách hành chính (CCHC), công tác cán bộ và tình hình liên quan đến cán bộ là học viên Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), tổ chức vào chiều 25-7.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu ngành nội vụ phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để phục vụ nhân dân. |
Yếu kém thì phải xem là do cá nhân hay lỗi hệ thống
Trước thông tin trong thời gian qua có hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm khi thi hành công vụ, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng phải chỉ ra cho được cụ thể đó là ai, công tác tại đơn vị nào chứ không thể nói chung chung. "Trách nhiệm của Sở Nội vụ là phải đưa ra những công cụ, cách thức đánh giá cán bộ. Nếu chưa chỉ ra được con người, vị trí công việc cụ thể, mà chỉ nói là "ở đâu đấy" thì chưa phải là người lãnh đạo. Sở Nội vụ phải đánh giá lại việc này, đừng có đau đầu, loanh quanh với việc phân chia biên chế", ông Nghĩa nói.
Về công tác CCHC, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, thành phố đã xây dựng ban hành 15 Đề án liên thông, liên kết, phối hợp trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các cơ quan đơn vị song song với việc triển khai cuộc vận động 3 hơn: nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn. Sau 6 năm Bộ Nội vụ tổ chức đánh giá xếp hạng CCHC, Đà Nẵng có 5 năm liền dẫn đầu (2012-2016) và năm 2017 tụt hạng xếp thứ 4/63 tỉnh thành. Theo ông Đồng, dù luôn đứng vị thứ cao so với các tỉnh thành nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục đầu tư để duy trì và cải thiện thứ hạng và chất lượng CCHC đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ông Trương Quang Nghĩa lưu ý những tồn tại trong nhiệm vụ này cần xem xét lại là do con người hay do thủ tục. Song song với CCHC thì Đà Nẵng phải quan tâm đặc biệt đến công tác thanh tra công vụ. "Chúng ta phải đưa ra những quy định, quy chuẩn để thực hiện và theo dõi. Thanh tra phải để bắt lỗi người nọ, người kia mà cần phải xem xét những hạn chế yếu kém có phải là do lỗi hệ thống hay không. Cứ nói một cửa nhưng phải đánh giá một cửa đó liên thông như thế nào, hay là cửa bên nọ và cửa bên kia ngồi nhìn nhau. Phải làm sao để mọi người dân được hưởng thành quả của CCHC. Vì suy cho cùng, đây là thước đo của bộ máy chính quyền. Đây cũng là công cụ để phòng chống nhũng nhiễu", Bí thư Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Đánh giá lại đề án 922
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, tính đến tháng 6-2018, thành phố đã cử 616 người đi học theo Đề án 922. Hiện tại, đã có 460 học viên đã được bố trí công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn, một số đã thanh lý hợp đồng sau khi hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố. Đến nay, số lượng học viên Đề án đang công tác tại các cơ quan, đơn vị là 380 người. Việc tiếp nhận, bố trí công tác cho học viên Đề án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố. Đa phần học viên Đề án có tính gắn bó, cam kết làm việc lâu dài và có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả công việc tốt do được đào tạo bài bản, năng động, có tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng đã có 93 học viên xin rút khỏi Đề án, trong số đó có 40 người xin rút khỏi Đề án khi đã nhận công tác, 47 học viên vi phạm hợp đồng. Lý do vi phạm chủ yếu là do không đạt kết quả theo yêu cầu, tốt nghiệp nhưng không về nhận công tác và nhận công tác nhưng không thực hiện đủ thời gian làm việc cho thành phố theo quy định.
Ông Trương Quang Nghĩa đánh giá Đề án 922 trích ngân sách để đào tạo, thu hút cán bộ giỏi về giúp cho thành phố trong thời điểm khó khăn về nguồn nhân lực là điều rất quý giá. Hiện tại rất nhiều cán bộ trong số này đã trưởng thành và khẳng định được vị trí, vai trò, năng lực của mình. Tuy nhiên, những bất cập về đánh giá tình hình, bố trí công tác đòi hỏi thành phố phải có đánh giá lại. Theo ông Nghĩa, đáng ra phải để các học viên có nhiều lựa chọn hơn như về công tác tại các sở, ban ngành, về quận huyện, trường học hay về công tác tại các doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy sẽ có sự thay đổi rất nhiều. Đào tạo về không nhất thiết phải bố trí vào khu vực công. Ông Nghĩa cũng cho rằng, lĩnh vực thu hút người có năng lực là cần thiết nhưng cũng phải cẩn trọng. "Tại sao chúng ta không thu hút hẳn một ông trưởng ban quản lý, một ông giám đốc sở khi chúng ta cần một sự đột phá nhất định thay vì thu hút một em sinh viên khá giỏi. Thu hút phải cho đáng", ông Nghĩa lưu ý.
CÔNG KHANH
Theo ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ, tính đến đầu năm 2018, UBND thành phố đã hoàn thành phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của 22 sở ngành, 7 quận, huyện và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố, chủ động nguồn biên chế để tinh giản theo lộ trình đến năm 2021. Ở khối hành chính, đến nay thành phố đã cắt giảm tổng cộng 96 biên chế công chức theo số giao của Bộ Nội vụ. Từ nay đến năm 2021, thành phố cần phải tinh giản 106 biên chế. |