Phản biện để chương trình hoàn thiện, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại

Thứ bảy, 27/01/2018 11:33

Sau khi nghiên cứu Dự thảo về CTGDPTM, do tác động bởi thời gian, công việc, trình độ…, tôi có một số nhận định sau:

Thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn.

* Về bố cục chương trình rất hợp lý. Đơn cử: Đối với môn Ngoại ngữ, việc không tổ chức dạy ở khối lớp 1, 2 là rất đúng. Bởi ở hai khối lớp này, các em chưa chuẩn Tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ. Lên lớp 3, vốn Tiếng Việt của HS cơ bản ổn, việc tiếp thu thêm một ngoại ngữ khác sẽ hợp lý hơn. Sự nối tiếp giữa các môn Tự nhiên và xã hội (TN&XH) gồm Lịch Sử - Địa Lý dành cho bậc Tiểu học và THCS, từ lớp 1 đến lớp 12 với việc qua từng giai đoạn HS học từng nội dung là rất phù hợp. Khác với chương trình cũ được thiết kế theo kiểu đồng tâm nên có sự lặp lại về mặt nội dung, làm cho kiến thức ở các cấp học càng nhiều lên. Trong khi đó, chương trình mới được thiết kế theo kiểu cắt đoạn, dạy-học theo từng cấp học nhưng lại có tính kế thừa nên đã giảm tải được chương trình, phù hợp khả năng tiếp thu kiến thức ở từng độ tuổi. Môn Khoa học cũng vậy. Khi lên THCS thì chương trình chia thành: KHTN và 2 môn của KHXH rõ ràng. Đến THPT thì có chương trình chuyên sâu của từng bộ môn học như: Lịch Sử, Vật Lý, Hóa… là hợp lý. Việc tổ chức dạy học các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, GD Thể chất xuyên suốt cũng hợp lý.

Tuy nhiên, ông Lê Vinh băn khoăn về cách đặt tiêu đề một số môn học hơi dài. Tiêu đề càng ngắn gọn càng tốt. Cụ thể, đối với môn Tiếng Việt và Ngữ Văn có thể dùng từ chung Ngữ Văn là đã hay rồi. Môn "Đạo đức, GD Công dân, GD Kinh tế và Pháp luật" nên thay bằng môn GD Công dân sẽ tốt hơn, tạo được sự đồng đẳng, thống nhất trong toàn các khối. Bởi thực chất môn học này là nhằm mục đích phục vụ việc giáo dục công dân. Ở môn học này, tùy từng cấp học mà quy định việc dạy đạo đức hay GD Công dân, GD kinh tế và pháp luật là hay nhất. Hay môn "Hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp" nên dùng từ chung là GD Kỹ năng, bởi các nội dung trong hướng nghiệp và trải nghiệm đều thuộc về kỹ năng.

* Về vấn đề giáo viên (GV), ông Lê Vinh góp 3 ý kiến:

Thứ nhất: Bộ phận biên soạn chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho GV và cán bộ quản lý về CTGDPTM nên nằm chung trong Ban biên soạn, nhưng chia thành hai mảng để có sự bàn bạc, thống nhất khi xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo; tránh CTGDPTM viết mà chương trình bồi dưỡng, đào tạo không thể hiện được hết ý tưởng của người soạn chương trình. Khi hoàn thành việc bồi dưỡng, đào tạo GV cần tính toán đến việc thi để cấp bằng hoặc giấy chứng nhận. Ngoài việc bồi dưỡng, đào tạo qua mạng, cần tổ chức tập trung bồi dưỡng, đào tạo trong một thời gian nhất định, tổ chức thi cử nghiêm túc để cấp giấy chứng nhận hoặc bằng. Có như thế mới đảm bảo được chất lượng. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý, giữa cái cũ và cái mới cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Cụ thể, đối với chương trình đào tạo tại các trường ĐH Sư phạm nên thực hiện ngay từ bây giờ, để sau khi tốt nghiệp SV ra trường sẽ dạy được ngay chương trình mới này. Còn đối với đội ngũ GV đã qua giảng dạy, trong chương trình bồi dưỡng, đào tạo về CTGDPTM, cần xây dựng từng mô-đun cụ thể, làm sao để cho GV có thể dạy được những môn tích hợp ngoài môn chuyên của mình. Đồng thời cần xây dựng chuẩn đánh giá cho từng môn học.

Thứ hai, việc đưa các môn Âm nhạc, Mỹ thuật và KHTN vào dạy xuyên suốt ở các cấp học là tốt, nhưng đặt ra một vấn đề khó khăn về đội ngũ giáo viên. Hiện nay đội ngũ giáo viên dạy các môn học này gần như không có, đặc biệt là THPT không có trường nào dạy Âm nhạc, Mỹ thuật? Có ý kiến cho rằng, nên để HS muốn đăng ký học môn này học tại các trung tâm bên ngoài, đem chứng chỉ về nộp cho trường là không ổn, gây khó khăn trong công tác quản lý và cả về chất lượng. Âm nhạc, Mỹ thuật là những môn học đòi hỏi phải có năng khiếu, vì thế rất khó đáp ứng đủ đội ngũ giáo viên chuyên về các môn học này về cho các trường học… Hay như môn KHTN, hiện chúng ta vẫn chưa có GV dạy tích hợp của 3 môn học. Việc đào tạo mới hoặc bồi dưỡng, đào tạo lại các GV đã qua giảng dạy cần xây dựng các chuyên đề theo mô-đun của chương trình tích hợp. Việc bồi dưỡng, đào tạo phải mang tính dài hạn, không được chắp vá. Môn Hoạt động trải nghiệm cũng vậy, hiện cũng không có GV.

Thứ ba, đối với chương trình hoạt động trải nghiệm, ngoài vấn đề khó khăn liên quan đến kinh phí khi tổ chức đưa HS đi trải nghiệm thực tế, cần tính đến vấn đề phải có văn bản, quy ước phối hợp giữa các trường học với các đơn vị, cơ sở  đến trải nghiệm. Bởi lẽ, không phải doanh nghiệp, đơn vị nào cũng mặn mà, cũng có đủ thời gian, công sức để 'tiếp cho ra chuyện", nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn tận tình cho HS, khi mà hầu hết các trường đều tổ chức đưa HS đi trải nghiệm; nếu tổ chức tại trường thì phải tính đến xây dựng cơ sở vật chất. Đây là một vấn đề cần được bàn kỹ, nếu không sẽ khó thực hiện.

Một giờ học toán ở Trường THCS Tây Sơn.

* Về cơ sở vật chất phục vụ CTGDPTM, theo ông Lê Vinh, cũng rất quan trọng. Vì vậy, song song với bộ phận biên soạn chương trình, phải đưa ra được bộ khung chuẩn về cơ sở vật chất càng sớm càng tốt. Trên cơ sở khung chuẩn này, tất cả các tỉnh, thành, quận, huyện trên phạm vi cả nước sẽ xây dựng cơ sở vật chất theo chuẩn khung đào tạo mới. Trong chương trình mới chưa đề cập đến số lượng, sĩ số HS/lớp. Nếu sĩ số HS/ lớp giảm xuống còn 30 HS/lớp như ở nước ngoài thì số lượng trường "bung" ra rất lớn.

* Về mục tiêu chương trình, ông Lê Vinh cho rằng rất ổn. Tuy nhiên, ông còn băn khoăn ở phần đánh giá phẩm chất. Bởi lẽ, đánh giá năng lực thì dễ, nhưng đánh giá về phẩm chất rất khó. Nếu cứ dựa vào định tính sẽ dẫn đến khó công bằng. Một vấn đề nữa trong chương trình mới, tính hiện đại thể hiện rất rõ, nhưng tính dự báo thì chưa được rõ nét lắm.

Cũng theo ông Lê Vinh, lộ trình xây dựng, soạn thảo chương trình mới này quy củ và bài bản. Việc tiếp tục xin ý kiến đóng góp, phản biện rộng rãi trong dư luận trong vòng 2 tháng tới trước khi tổ chức phản biện với sự góp mặt của các chuyên gia như cách làm hiện nay là rất ổn. Tuy nhiên, ông Vinh cũng băn khoăn không biết Bộ GD-ĐT có thành lập Ban phản biện độc lập, được hưởng chế độ và chịu trách nhiệm đến cùng về sự phản biện của mình hay không? Hay chỉ mời các chuyên gia riêng, lẻ. Theo ông, nên có Ban phản biện độc lập. Trong Ban phản biện này nên tìm và mời các giáo viên giỏi của từng cấp học ở các tỉnh, thành… thêm vào thì sẽ tốt hơn.

PHAN THỦY (ghi)

--------------------------------------------------------------------------------

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPTM) và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong toàn xã hội với thời gian 2 tháng. Về vấn đề này, ông Lê Vinh- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đã có những chia sẻ với Báo Công an TP Đà Nẵng.

--------------------------------------------------------------------------------