Phần cho thơ và phần để em yêu...

Thứ hai, 07/03/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Tôi muốn nói về một phân nửa thế giới... là phụ nữ. Họ là hậu phương nhưng không phải bao giờ họ cũng là người ở phía sau. Đặc biệt với những nhà thơ, nhiều hậu phương chính là người thẩm định thơ đầu tiên và cũng chính là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm thi ca để đời. Ở nước ta với Tố Hữu - nhà thơ được xem như cánh chim đầu đàn của thi ca cách mạng là trường hợp như vậy.

Chuyện kể, Tố Hữu rất thích chia sẻ với vợ về những cảm hứng sáng tác của mình. Nhiều đêm đang ngủ say, chị Thanh, vợ nhà thơ thường bị đánh thức dậy. “Anh vừa nghĩ ra tứ thơ mới. Em nghe thử nhé”. Bởi vậy, chị Thanh là độc giả và cũng là người thẩm định thơ đầu tiên của Tố Hữu. Kỷ niệm đáng nhớ nhất khi Tố Hữu viết bài thơ Bác ơi sau khi Bác qua đời. Ông ngồi một mình trong phòng, vừa viết vừa đưa khăn lau nước mắt. Bà Thanh lặng lẽ thức đêm cùng chồng. Mấy tháng sau Tố Hữu bị ốm nặng. Bác sĩ chẩn đoán nhà thơ bị bệnh máu trắng. Nghĩ bệnh mình không chữa khỏi, nhà thơ Tố Hữu quyết định phải làm một việc có ý nghĩa cuối đời. Một tháng sau Tố Hữu viết xong “Trường ca theo chân Bác”. Viết xong nhà thơ mệt quá lả đi, vợ nhà thơ phải chép lại hàng trăm câu thơ. Thật lạ, sau đó nhà thơ Tố Hữu phục hồi dần và khỏi hẳn. Tố Hữu nói  vui cùng vợ “Có lẽ Cụ phù hộ mình”.

Tố Hữu luôn xem vợ vừa là bạn đời nhưng cũng là bạn thơ, đầy lãng mạn như những ngày đầu họ đến với nhau trong tháng mưa ngâu giữa người lãnh đạo Việt Minh ở Huế và cô nữ sinh Đồng Khánh quê ở Thanh Hóa qua giới thiệu của một Tỉnh ủy viên Thanh Hóa. Đêm tân hôn, cô dâu bị mẹ bắt vào ngủ chung vì mai phải theo chồng về chiến khu, nên nhà thơ đành nằm ở tràng kỷ. Thế rồi vợ chồng mới cưới phải từ biệt người thân, ngược sông Lô lên Việt Bắc. Tuần trăng mật trôi qua lãng mạn trên chiếc thuyền nan. Ngày dưới thuyền nước chảy êm đềm, dọc bờ sông rừng cọ đồi chè xanh nối tiếp, họ quên đi những nỗi căng thẳng ngày đầu kháng chiến. Trong an toàn khu, Trung ương Đảng và Trung ương Hội phụ nữ ở cách nhau mấy chục cây số. Hai vợ chồng công tác hai nơi. Tố Hữu làm công tác văn hóa ở Trung ương Đảng,  vợ nhà thơ làm công tác phụ nữ, thỉnh thoảng mới được gặp nhau. Tuổi trẻ chưa có kinh nghiệm nên Thanh sẩy mất đứa con đầu. Một lần tiễn đưa, Tố Hữu  viết:

“Mưa rơi dầm lá cọ/

Mái tóc em ướt rồi/

Đôi má em bừng đỏ/

Muốn hôn quá mà thôi/

Sợ em mình xấu hổ/

Cầm hai bàn tay nhỏ/

Xa nhau chẳng muốn rời...”.

Thời gian bà Thanh về Phú Thọ làm công tác tuyên huấn vợ chồng nhà thơ lại thêm cách xa. Mỗi tháng một lần, Tố Hữu từ Thái Nguyên về Phú Thọ  thăm vợ, đi bộ một ngày đường chỉ để gặp nhau một đêm, hôm sau lại chia tay sớm. Không có chỗ ở, hai người phải làm một cái chòi bằng cây sim và lá cọ. Thời gian này Tố Hữu có thơ:

“Đêm lạnh lều rơm không liếp cửa

Hai đứa mình ôm nhau trên sàn nứa

Nằm bên em nghe má nóng trong tay

Sợ tiếng gà gáy sáng hết đêm nay”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà thơ về tiếp quản thủ đô trước vợ 1 năm. Lúc này Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc trong xa cách, sự luyến lưu khi chia tay căn cứ địa Việt Bắc và cả người vợ yêu thương của mình. Trong nỗi niềm riêng chung ấy nhà thơ Tố Hữu đã ra đời thi phẩm nổi tiếng Việt Bắc với những câu thơ  từng đã nằm lòng nhiều thế hệ.

“Mình về mình có nhớ ta/

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/

Mình về mình có nhớ không/

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn...”.

Theo những chuyện tình của các chính khách Việt Nam của tác giả Nguyệt Tú (con gái nhà cách mạng Lê Quang Đạo) có kể về một kỷ niệm mà chính bà Thanh kể với tác giả, đó là lá thư đề ngày 27-10-1954 Tố Hữu gửi vợ: “Bé yêu! Hôm qua anh được thư bé, tự nhiên anh vui cả ngày, vui hơn cả mọi ngày. Trên đường về Hà Nội, anh nghĩ đến công việc và chập chờn từng lúc nhớ đến bé của anh, như anh nhớ đến Việt Bắc của chúng ta vậy. Anh làm bài thơ Việt Bắc, hình như nói với cả em của anh đang ở lại... chưa bao giờ anh yêu em, yêu cuộc đời của chúng ta thiết tha như vậy trong thơ...”.  Và trong câu chuyện vợ chồng nhà thơ Tố Hữu không phải ai cũng biết, sau 9 năm đám cưới, bà Thanh mới có thai. Cả hai vợ chồng mừng đến ứa nước mắt. Năm 1956 bà sinh con đầu lòng, Bác Hồ gửi tặng tấm lụa chúc mừng. Sau đó bà sinh thêm hai con nữa, gia đình thêm đầm ấm. Đi xa Tố Hữu viết thư về cho vợ con hàng trang giấy...

Giữa dòng thơ cách mạng, ai cũng biết Tố Hữu có những câu thơ nổi tiếng dành riêng cho “một nửa”  của mình có thể nói “duy nhất” trên thi đàn Việt Nam và cả thế giới:         

...Trái tim anh đó

Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ và phần để em yêu...

Võ Văn Trường