"Phao cứu sinh" của Châu Âu

Thứ ba, 19/07/2016 08:18

(Cadn.com.vn) - Việc cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu - EU (Brexit) một lần nữa đẩy Đức - được coi là quốc gia đầu tàu của liên minh này - vào vòng xoáy đòi hỏi sự kiên nhẫn khi lục địa già đang đứng trước một thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành liên minh.

Từ năm 2009, EU phải đối mặt với ít nhất 3 thách thức có nguy cơ gây chia rẽ lớn trong liên minh 28 quốc gia thành viên: khu vực đồng EUR (Eurozone) gần như sụp đổ do khủng hoảng nợ của Hy Lạp; mối quan hệ căng thẳng với Nga và cuộc khủng hoảng người tị nạn. Và thách thức mới nhất và lớn nhất hiện nay là việc Anh quyết định rời khỏi EU - động thái chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả hai bên. Để đối phó với Brexit và ảnh hưởng của nó, liệu các nhà lãnh đạo EU có thể học được gì từ lịch sử vượt qua những cuộc khủng hoảng trước đó?

Một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trước đó là phản ứng bình tĩnh và phản xạ của Đức. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel, nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Châu Âu, Đức tiếp tục đóng vai trò như một "phao cứu sinh" cho EU mỗi khi gặp sóng gió. Berlin được cho là mở ra tầm nhìn về mục đích chung cho EU theo các nguyên tắc cốt lõi của nó. Đức lắng nghe mọi tranh cãi và thể hiện một sự kiên nhẫn đầy khôn ngoan khi giải quyết vấn đề.

Hiện nay, một số quốc gia EU đang tỏ ra mất bình tình, muốn trả đũa London khi ra sức tìm cách thúc giục Anh phải ra đi nhanh chóng. Những quốc gia khác muốn làm nước Anh bẽ mặt và hối hận khi quyết định rời EU. Một vài quốc gia lại xem đây là cơ hội để có được một cái gì đó từ EU vốn luôn bị Anh ngăn chặn trong quá khứ. Bất chấp thái độ giục giã, nóng ruột của các thành viên khác, Thủ tướng Merkel nhắn nhủ với các thành viên khác của EU rằng, họ nên "bình tĩnh phân tích và đánh giá tình hình, và trên cơ sở đó, cùng nhau đi đến những quyết định đúng đắn".

Sự kiên nhẫn của Đức như vậy không phải là mới. Thay vào đó, với tất cả những vấn đề trên trường quốc tế trong những thập kỷ gần đây, Berlin nổi lên như một cầu thủ trung tâm giúp cân bằng và ổn định khi thế giới xung quanh đã thay đổi. Quá trình rút lui của Anh khỏi EU có thể mất ít nhất 2 năm. Đàm phán các điều khoản trong mối quan hệ tương lai của London với Châu Âu có thể sẽ rất khó khăn. Với rất nhiều thách thức đặt ra, sự kiên nhẫn của Đức sẽ tác động rất lớn lên vấn đề này.

Anh đã có thủ tướng mới thay thế ông David Cameron để chèo lái con thuyền đầy sóng gió thời hậu Brexit này. Và việc Đức không cố gắng thúc ép giúp tân Thủ tướng Theresa May có đủ thời gian và sự điềm tĩnh để chọn cho Anh và cả EU đi theo một con đường gần nhất và ít chông gai nhất.

Thanh Văn