Pháp có Thủ tướng mới

Thứ bảy, 07/09/2024 10:40

Trong nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6, ngày 5-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier, một chính trị gia kỳ cựu 73 tuổi, làm Thủ tướng mới của nước Pháp.

Ở tuổi 73, ông Barnier là thủ tướng lớn tuổi nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp, thay thế ông Gabriel Attal, người đã từ chức hồi tháng 7. Ông Barnier, thành viên của đảng Cộng hòa đại diện cho cánh hữu truyền thống, là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm trên chính trường Pháp và Liên minh châu Âu. Ông Barnier lần đầu tiên trở thành nhà lập pháp ở tuổi 27, và sau đó giữ nhiều chức vụ trong chính phủ Pháp như Bộ trưởng Ngoại giao, Nông nghiệp và Môi trường. Ông đã hai lần giữ chức vụ Ủy viên châu Âu cũng như Cố vấn cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ông được biết đến nhiều nhất trên trường quốc tế với vai trò trưởng đoàn đàm phán của EU với Anh về việc Anh rời khỏi khối (Brexit) từ năm 2016-2021.

Quan điểm chính trị của ông Barnier nhìn chung khá giống với ông Macron, và điều quan trọng đối với tổng thống Pháp là thủ tướng mới không cố gắng hủy bỏ các cải cách đã được thúc đẩy trong những năm qua, đặc biệt là những thay đổi về lương hưu khiến phe cánh tả phản đối.

Việc Thủ tướng Macron kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào tháng 6 đã phản tác dụng, khi liên minh trung dung của ông mất hàng chục ghế trong Quốc hội và không đảng nào giành được đa số tuyệt đối. Với cuộc bầu cử này, Quốc hội Pháp đã bị chia thành ba phe chính: Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP), nhóm trung dung của ông Macron và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN). Sự phân cực này khiến ông Macron gặp khó khăn trong việc tìm một thủ tướng có thể tập hợp đủ phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ.

Liên minh cánh tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 6 đã cáo buộc ông Macron phớt lờ kết quả bằng cách chọn một chính trị gia cánh hữu. Liên minh này kêu gọi phản đối ông Barnier làm thủ tướng nhưng họ không có đủ ghế để tự mình ngăn chặn sự lựa chọn này. Đảng cực hữu National Rally (RN), đảng lớn nhất trong Quốc hội, đã tuyên bố sẽ không chặn ông Barnier làm thủ tướng vào lúc này, nhưng có thể làm như vậy sau này nếu một loạt các yêu cầu của họ không được đáp ứng. Trong khi đó ông Jordan Bardella, lãnh đạo RN cho biết đảng ông "thừa nhận" việc bổ nhiệm ông Barnier nhưng coi quá trình này là "không xứng tầm với một nền dân chủ lớn".

Dù ông Barnier sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhậm chức, nhiệm vụ đầu tiên của ông là củng cố đủ sự ủng hộ tại quốc hội để vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và bắt đầu nhiệm kỳ của mình.

Phát biểu trong buổi lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Barnier cam kết sẽ hợp tác với “những người có thiện chí” để thúc đẩy sự tôn trọng và đoàn kết tại một quốc gia đang bị chia rẽ chính trị, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu của người dân về hòa bình và sự ổn định. Ông khẳng định ưu tiên của chính phủ mới sẽ là tập trung giải quyết những thách thức mà nước Pháp đang đối mặt, lắng nghe nguyện vọng và giải quyết nỗi bất mãn của người dân, cũng như tìm giải pháp để giảm thiểu những khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Ông cho biết giáo dục, an ninh và "kiểm soát nhập cư" sẽ là những vấn đề trọng tâm, đồng thời khẳng định sẽ không né tránh mà sẽ trực tiếp đối diện với các vấn đề tài chính khó khăn của đất nước, đặc biệt là nợ công.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã hoan nghênh việc Pháp bổ nhiệm ông Barnier làm thủ tướng. Trên mạng xã hội X, bà von der Leyen khẳng định: "Tôi biết rằng ông Michel Barnier luôn quan tâm đến lợi ích của châu Âu và nước Pháp, như kinh nghiệm lâu năm của ông cho thấy. Tôi chúc ông thành công trong sứ mệnh mới của mình".

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cũng chúc mừng ông Barnier được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp. Thủ tướng Đức Scholz bày tỏ hy vọng hai chính phủ sẽ tiếp tục hợp tác để định hình tình hữu nghị Pháp-Đức vì lợi ích của hai quốc gia và châu Âu.

AN BÌNH