Pháp - Mỹ hòa giải sau khủng hoảng tàu ngầm

Thứ bảy, 30/10/2021 19:42

Trong nỗ lực hàn gắn quan hệ sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhau ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong các ngày 30 và 31-10 tại Rome, Italia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) nói chuyện với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trước cuộc họp của khối NATO tại Bỉ vào ngày 14-6.  Ảnh: Reuters

Gạt qua bất đồng liên quan đến khủng hoảng tàu ngầm, tạo đà mới cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương chính là mục tiêu của buổi làm việc đầu tiên này giữa hai nhà lãnh đạo sau vụ Mỹ "cuỗm mất" hợp đồng của Pháp bán tàu ngầm cho Australia và thành lập liên minh quân sự AUKUS với Anh, Australia. 

Một ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20, nguyên thủ quốc gia hai nước gặp nhau tại tòa đại sứ Pháp ở Roma. Theo giới quan sát, Nhà Trắng tỏ thiện chí làm hòa với Paris sau nhiều tuần lễ căng thẳng. Đôi bên đều cần nhau trên ít nhất ba hồ sơ. Thứ nhất là Pháp cần Mỹ ủng hộ để thúc đẩy dự án xây dựng một hệ thống phòng thủ chung Châu Âu. Thứ hai là Pháp cần Mỹ yểm trợ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Châu Phi. Thứ ba, như nhà nghiên cứu Pierre Morcos, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS của Mỹ ghi nhận, Pháp muốn Mỹ "phối hợp chặt chẽ hơn với Liên minh Châu Âu (EU) trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương".

Có nhiều kỳ vọng cho cuộc gặp lần này, đánh dấu lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo của Pháp và Mỹ gặp nhau trực tiếp sau khi Washington bất ngờ tuyên bố thành lập liên minh AUKUS, dẫn đến việc Australia đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm lịch sử Pháp hồi giữa tháng 9-2021. Trước cuộc gặp sắp tới, ông Emmanuel Macron và ông Joe Biden đã có hai cuộc điện đàm cùng một loạt các động thái thiện chí hàn gắn quan hệ từ phía Mỹ, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Pháp của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đầu tháng 10.

"Cuộc gặp diễn ra tại Roma, bên lề thượng đỉnh G20, nhưng ông Macron là người tiếp tổng thống Mỹ. Đây là một chi tiết quan trọng cả về mặt biểu tượng lẫn chính trị. Qua việc này, giới quan sát cho rằng, ông Biden đến gặp ông Macron để khép lại khủng hoảng mà Pháp đã coi là một sự "phản bội từ phía đồng minh Mỹ". 

Quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ trở nên căng thẳng sau sự ra đời của thỏa thuận AUKUS. Bộ ba đối tác chiến lược mới này ngay lập tức đã khiến Pháp nổi giận. Paris bị sốc mạnh, từ đó trở đi liên tiếp tỏ sự bất đồng dù vẫn ý thức không bỏ được mối quan hệ đồng minh với Washington cũng như ý thức được những hạn chế thực lực của mình. Phải sau một tuần căng thẳng mới có cuộc điện đàm đấu dịu giữa tổng thống của hai nước. 

Ông Biden thừa nhận là lẽ ra Mỹ phải thông tin tốt hơn cho đồng minh lâu đời của mình về sự việc trên và nhắc lại những cam kết và tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh lâu đời Pháp-Mỹ. Nhưng dường như các cố gắng của tổng thống Mỹ vẫn dừng lại ở mức độ xã giao, chưa có thực chất. Chuyến công du của ngoại trưởng Anthony Blinken là tiếp tục sứ mệnh xoa dịu đồng minh đồng thời chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa Macron và Biden. 

Trong một diễn biến hòa giải khác, lãnh đạo Pháp và Australia cũng đã lần đầu hội đàm sau khủng hoảng tàu ngầm. Theo BBC, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có cuộc hội đàm vào ngày 28-10, trong đó Tổng thống Macron đã nói với Thủ tướng Morrison rằng, vụ khủng hoảng hồi tháng trước "đã phá vỡ mối quan hệ tin cậy giữa hai nước chúng ta". Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Morrison, hai nhà lãnh đạo đã có "một cuộc thảo luận thẳng thắn" về mối quan hệ song phương. Theo phía Paris, ông Macron đã nêu rõ: "Giờ đây, chính phủ Australia cần đề xuất các hành động cụ thể nhằm thể hiện thiện chí trong việc xác định lại các cơ sở hàn gắn mối quan hệ này".

KHẢ ANH