Pháp phản ứng gay gắt với AUKUS, Mỹ - Australia nỗ lực xoa dịu
Thỏa thuận liên minh an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương mới giữa Mỹ, Anh và Australia, mang tên AUKUS, trong đó Canberra sẽ nhận được công nghệ và năng lực tự sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, đang khiến Pháp nổi giận.
Các tàu ngầm lớp Collins của Australia. Ảnh: AFP |
Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cáo buộc Australia và Mỹ nói dối về một hiệp ước an ninh mới vốn đã dẫn tới việc Paris triệu hồi đại sứ. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 2, ông Jean-Yves Le Drian cũng cáo buộc các quốc gia về “trò hai mang, một việc làm tổn hại lòng tin nghiêm trọng và thể hiện sự khinh thường”.
Với hiệp ước được gọi là Aukus này, Australia sẽ được cung cấp công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Australia sẽ trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đồng thời, các đồng minh sẽ chia sẻ năng lực trên không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ dưới biển khác.
Hiệp ước này cũng đặt dấu chấm hết cho một thỏa thuận trị giá 37 tỷ USD mà Pháp đã ký với Australia vào năm 2016 để đóng 12 tàu ngầm thông thường. và Pháp đã được thông báo chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận được công bố hồi đầu tuần.
Tức giận, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia. Trong một tuyên bố vào cuối ngày 17-9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, người đã mô tả hiệp ước là một “cú đâm sau lưng”, cho biết các đại sứ được triệu hồi theo yêu cầu của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông Le Drian nói, thỏa thuận này “cấu thành những hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác mà hậu quả của nó ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của chúng ta về các liên minh, quan hệ đối tác và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với châu Âu”.
Việc triệu hồi đại sứ là rất bất thường giữa các đồng minh, và đây được cho là lần đầu tiên Pháp triệu hồi các đại sứ của hai nước. Các nhà ngoại giao Pháp ở Washington đã hủy bỏ một buổi dạ tiệc kỷ niệm mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp được lên kế hoạch vào hôm 17-9.
Bản thân ông Le Drian cũng thừa nhận một “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” đang xảy ra giữa các đồng minh. “Việc chúng tôi triệu hồi đại sứ để tham vấn lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Pháp là một hành động chính trị nghiêm trọng, cho thấy mức độ khủng hoảng lớn đang tồn tại giữa các quốc gia”, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói.
Nhưng ông cho biết, Pháp thấy “không cần thiết” phải triệu hồi đại sứ tại Anh, vì “trong toàn bộ chuyện này, nước Anh giống chiếc bánh xe thứ ba”. Ngoại trưởng Anh mới được bổ nhiệm Liz Truss bảo vệ thỏa thuận trong một bài báo trên tờ Sunday Telegraph, khi nói rằng thỏa thuận cho thấy sự sẵn sàng “cứng rắn” của London trong việc bảo vệ lợi ích của mình.
Khi rời Canberra hôm 18-9, Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault gọi việc Australia đơn phương hủy bỏ thỏa thuận là một “sai lầm lớn”. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc 3 cường quốc liên quan đến hiệp ước an ninh có “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.
Trước cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng này, một quan chức Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết bất đồng. Ngoại trưởng Australia cũng Marise Payne cho biết bà hiểu “sự thất vọng” ở Pháp và hy vọng sẽ trao đổi để đảm bảo nước này hiểu “giá trị mà chúng tôi đặt lên mối quan hệ song phương”.
KHẢ ANH