Pháp tìm đường “nói chuyện” với Cuba

Thứ ba, 12/05/2015 08:40

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Francois Hollande trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp thăm Cuba trong hơn 1 thế kỷ qua và cũng là nhà lãnh đạo Phương Tây đầu tiên đến quốc đảo này sau khi Washington-La Havana bất ngờ thông báo khôi phục quan hệ song phương sau hơn 50 năm thù địch.

Tổng thống Pháp đến thủ đô La Havana vào tối 10-5 (sáng 11-5, giờ Việt Nam) trong chuyến công du lịch sử để hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Raul Castro, với quyết tâm dẫn đầu xu thế hàn gắn quan hệ với quốc đảo trong khối các nước Liên minh Châu Âu (EU).

Đây là lần đầu tiên, cả hai có cuộc gặp gỡ sau lần gặp cuối cùng vào tháng 12-2013 tại Nam Phi trong tang lễ cựu Tổng thống Nelson Mandela.

Tổng thống Pháp Hollande đến Sân bay Quốc tế Jose Marti ở La Havana
tối 10-5 (sáng 11-5, giờ Việt Nam). Ảnh: AFP

Chuyến thăm thế kỷ

Tổng thống Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Cuba kể từ khi có thông báo bất ngờ trong tháng 12-2014 của La Havana và Washington về việc bình thường hóa quan hệ song phương. Chào đón Tổng thống Hollande tại Sân bay quốc tế Jose Marti là Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Rogelio Sierra. “Tôi đến Cuba với cảm xúc tuyệt vời vì đây là lần đầu tiên một Tổng thống Pháp đến quốc  đảo này”, ông nói khi đặt chân đến sân bay. Không có nhà lãnh đạo Pháp nào đến thăm Cuba kể từ khi quốc đảo này giành độc lập vào năm 1898. “Có những mối quan hệ lịch sử, mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Pháp và nhân dân Cuba”, ông Hollande nói đồng thời hoan nghênh độc lập lâu dài của La Havana.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của ông Hollande sẽ hỗ trợ tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Pháp với Cuba, quốc gia đang trải qua những cải cách kinh tế và xã hội dần dần dưới thời Chủ tịch Raul Castro. Tất cả sẽ tạo động lực cho việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa EU với Cuba vốn bị đóng băng từ năm 1996 và ủng hộ cho những bước đi xích lại gần nhau giữa La Havana và Washington.

Ông chủ Điện Élysees cho rằng, việc nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế thập kỷ dài của Mỹ sẽ giúp nền kinh tế tiền mặt của Cuba. “Cuba đang dần chuyển sang giai đoạn mới, một thời kỳ mới, một thời điểm mới cho hòn đảo vốn là nạn nhân của lệnh cấm vận kéo dài”, ông Hollande nói khi đề cập đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đưa ra từ năm 1962.  Nhà lãnh đạo Pháp nhận định, bãi bỏ lệnh cấm vận là chìa khóa giúp Cuba đến với phần còn lại của thế giới, nhưng cũng thừa nhận vẫn còn những rào cản lớn trên con đường bình thường hóa quan hệ La Havana-Washington.

Tiếp cận thị trường Cuba

“Pháp đang tìm cách “là nước đầu tiên trong số các quốc gia Châu Âu và các quốc gia phương Tây” có thể nói với những người Cuba rằng, chúng ta sẽ ở bên cạnh họ nếu họ tự quyết định thực hiện các bước cần thiết hướng tới mở cửa”, Tổng thống Hollande nói với các phóng viên trước khi đến La Havana.

Quan hệ kinh tế, thương mại Paris – La Havana vẫn ở mức rất khiêm tốn. Hiện có khoảng 60 doanh nghiệp Pháp đang làm ăn tại Cuba. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt khoảng 280 triệu EUR, trong đó Pháp xuất sang Cuba khoảng 157 triệu EUR.

Vì thế, vấn đề kinh tế được coi là ưu tiên trong chuyến thăm lần này của ông Hollande đến Cuba. Theo AFP, một số thỏa thuận được ký kết trong chuyến đi, dù chi tiết các thỏa thuận không được công bố công khai. Theo nhà lãnh đạo Pháp, các thỏa thuận sẽ tập trung vào việc cải thiện tiếp cận thị trường Cuba và Mỹ Latinh. Sau Cuba, ông Hollande sẽ đến Saint-Barthelemy, Saint-Martin, Martinique, Guadeloupe và kết thúc chuyến thăm ở Haiti vào hôm nay (12-5).

Ngoài các vấn đề kinh tế, chuyến đi của Tổng thống Pháp cũng là cơ hội để thảo luận về vấn đề nhân quyền – vốn là rào cản trong mối quan hệ của Cuba với phương Tây. Các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích thành tích nhân quyền của Cuba, cáo buộc La Havana trấn áp những người bất đồng chính kiến và tự do báo chí, động thái mà quốc đảo luôn bác bỏ. EU từng đình chỉ quan hệ với Cuba vào năm 2003 vì tranh cãi vấn đề nhân quyền, song sau đó mở các cuộc đàm phán để khôi phục lại quan hệ vào tháng 4-2014, nhằm thuyết phục La Havana cải thiện thành tích nhân quyền.

Khả Anh