Pháp vẫn loay hoay tìm cách đối phó khủng bố

Thứ hai, 14/11/2016 10:48

(Cadn.com.vn) - Đêm 13-11-2015, các tay súng xông vào quán bar, nhà hàng, sân vận động và một phòng hòa nhạc ở thủ đô Paris của Pháp, xả súng vào những người vô tội, bắt nhiều người làm con tin trước khi giết họ. Có đến 130 người thiệt mạng vào đêm kinh hoàng đó. Đã một năm kể từ vụ tấn công tàn bạo nhất trong lịch sử nước Pháp, nhưng các mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với các phần tử cực đoan có ý định thực hiện các vụ tấn công gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của Pháp được cho là khó khăn nhất. 1 năm sau các cuộc tấn công ngày 13-11, các chuyên gia cho rằng nước này không đạt được nhiều tiến bộ lâu dài trong cuộc chiến chống khủng bố.

Pháp đã chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố lớn trong hơn 1 năm qua. Tháng 1-2015, phiến quân tấn công văn phòng tòa soạn báo Charlie Hebdo, giết chết 12 người, sau đó xông vào một cửa hàng tạp hóa giết 4 người. Tiếp đến là loạt các vụ tấn công tại Paris vào tháng 11. Và vào ngày Quốc khánh Pháp (14-7), một người đàn ông lái xe tải tấn công đám đông xem pháo hoa ở Nice. Vài tuần sau đó, 2 người đàn ông cam kết trung thành với IS sát hại 1 linh mục ở Rouen. "Sẽ có những cuộc tấn công mới, sẽ có thêm các nạn nhân vô tội", Thủ tướng Pháp Manuel Valls lo ngại.

Người Pháp đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công Paris tại nhà hát Bataclan.

Mối đe dọa phức tạp

Theo Wassim Nasr, nhà báo của kênh France 24 và là chuyên gia chống khủng bố, Pháp đối mặt với nhiều mối đe dọa, khiến nước này khó phác thảo một chiến lược chống khủng bố toàn diện.

Trước hết, IS đang tích cực đưa các phần tử khủng bố đã qua đào tạo vào Châu Âu. Chẳng hạn như, các tay súng được đào tạo ở Syria đã thực hiện loạt vụ tấn công ngày 13-11 tại Paris và vụ tấn công tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 3-2016. Ngoài ra, cũng có những kẻ không liên quan gì đến IS nhưng thực hiện các vụ tấn công trên danh nghĩa của nhóm cực đoan này. Hiện tượng này đang lan rộng khắp châu Âu và trở nên phổ biến ở Mỹ. Theo ông Nasr, mối đe dọa thứ ba đến từ "những con sói đơn độc", chẳng hạn như vụ kẻ lái xe tải lao vào đám đông ở Nice.

Bên cạnh đó, sự thiếu gắn kết xã hội giữa các công dân và di dân Pháp là yếu tố quan trọng giải thích tại sao những mối đe dọa hiện hữu ở đất nước này. Gần 10% dân số Pháp là người Hồi giáo, nhưng các cộng đồng thiểu số và nhập cư của nước này bị gạt ra ngoài lề lịch sử. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng là nguyên nhân dẫn đến bất ổn trên toàn Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng.

Cách đối phó của Pháp

Theo ông Boris Toucas, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Pháp đang "thí nghiệm" cách đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Theo Trung tâm Quốc tế về chống khủng bố, Pháp hiện có hơn 900 công dân chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria - nhiều nhất trong số các quốc gia Châu Âu. Và theo Thủ tướng Manuel Valls, 15.000 người dân trong nước đang bị cực đoan hóa.

Kết quả điều tra vụ tấn công khủng bố Paris khẳng định tình báo Pháp đã "thất bại trên toàn cầu". Vì vậy, chính phủ thiết lập "hàng loạt các cải cách hành chính và lập pháp nhằm thích ứng với các mô hình mới", ông Toucas cho biết. Pháp cũng thành lập cơ quan chống khủng bố quốc gia. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đưa ra cuối tháng 11-2015, cũng liên tục được mở rộng kể từ đó. Paris cũng cho phép cảnh sát mở các cuộc đột kích cũng như mở thêm nhiều trung tâm chống cực đoan hóa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những chiến lược này không thành công. Họ cho rằng, phải mất rất lâu để tìm ra giải pháp cho các mối đe dọa khủng bố. "Có nhiều việc phải làm, cần một thời gian dài. Đây là vấn đề của thế kỷ", ông Nasr nói.

An Bình
(Theo Huffington Post)