Phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn sớm hoạt động tấn công trên không gian mạng
Ngày 8-12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng".
Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có: Giáo sư, Tiến sỹ, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư...
Dưới sự điều hành của Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng- Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, thiết thực trong việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Nhiều tham luận tâm huyết, sâu sắc đề cập tới các khía cạnh của chủ đề Hội thảo, như: "Bàn về chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng - Những yêu cầu bảo đảm các chỉ số an ninh, an toàn trong bối cảnh hiện nay" của Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; "Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng" của Trung tướng Lương Tam Quang- Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an do Thiếu tướng Đỗ Lê Chi- Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an thừa ủy quyền trình bày tại Hội thảo; tham luận "Nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay" của PGS.TS Lê Văn Lợi- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; "Xuất bản sách lý luận, chính trị phục vụ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Quốc gia trong tình hình mới" của Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Hoài Anh…
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đều khẳng định, đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc, Các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng và nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; phát huy vai trò và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu kết luận, bế mạc Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ hai trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố và 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Do đó, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng. Các chủ trương đều tập trung khẳng định: An ninh mạng và bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng quyết tâm giữ vững An ninh Quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hành vi xâm phạm an ninh mạng Quốc gia; xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích Quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững…
Hiện, Việt Nam cũng đang thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng "Make in Viet Nam". Đây là nỗ lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và kiểm soát chuỗi cung ứng về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng, hướng tới một môi trường mạng tin cậy hơn. Cùng với đó là sự thành lập và phát triển các cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh thông tin, an ninh không gian mạng Quốc gia trực thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông đủ năng lực, sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng...
Bộ trưởng Tô Lâm tặng sách cho các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự Hội thảo.
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.
"Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về An ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong CAND, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng. Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh mạng. Tổ chức phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về An ninh Quốc gia. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng...
Đ.B