Phát hiện ngôi mộ đá vôi cổ

Thứ ba, 13/11/2018 11:18

Trong lúc lấy đất cát san lấp mặt bằng vùng dự án tái định cư thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên, Quảng Nam), người dân phát hiện bức bình phong của một ngôi mộ chiều cao 0,6m, chiều ngang 1,4m bị vùi lấp dưới một ngọn đồi sâu hơn 10m. Tấm bình phong được làm bằng vôi, trang trí nhiều hoa văn có đặc điểm giống mộ thời Nguyễn. Theo quan sát, bức bình phong này được xây dựng bằng đá vôi và san hô, có hình một con chim đang dang cánh được đính nhiều mảnh sành sứ màu xanh, xung quanh có nhiều viền hoa văn giống kiểu mộ thời Nguyễn.

Bức bình phong của một ngôi mộ cổ vừa được người dân phát hiện.

Trước đó, cạnh ngôi mộ này người dân cũng đã phát hiện một lọ sứ đựng nhiều đồng bạc xưa và 6 bình đá vôi cách ngôi mộ chừng 10m về phía tây. Sau khi phát hiện ngôi mộ, người dân đã đem 6 bình vôi để lại vị trí cũ. Nhận thông tin phát hiện ngôi mộ cổ, nhiều người trong và ngoài địa phương tò mò tìm đến xem. Một số người tín ngưỡng xin những đồng tiền này về mong nhận được sự may mắn cho gia đình. Sau khi phát hiện ngôi mộ, người dân đã trình báo sự việc lên UBND xã Duy Hải để có hướng giải quyết.

Theo một nhà nghiên cứu lịch sử, ngôi mộ được làm bằng vữa vôi, cát, mật mía và muối, hoa văn kiểu cuốn thư có ốp các mảnh sành sứ xanh, cho thấy đây là kiểu mộ xây thời Nguyễn. Những đồng bạc có in 4 chữ trong đó có 2 chữ được dịch là Minh Mệnh nên nghi ngờ ngôi mộ này được an táng vào thời vua Minh Mạng. Trước đó, trong lúc xây dựng chùa Phước Hải (xã Duy Hải) người dân cũng đã phát hiện nhiều tượng La Hán và nhiều cổ vật khác thời Nguyễn, hiện đang được lưu giữ tại chùa. Tuy nhiên, cần phải tiến hành khảo cổ ngôi mộ, các nhà nghiên cứu kiểm tra  mới có thể xác định chắc chắn. Ông Nguyễn Hào (80 tuổi, người dân địa phương) cho rằng khu vực này nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn nên thường xuyên bị bồi lấp. Nghe ông bà xưa kể lại rằng, nơi đây trước kia có một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua. Cứ cách 100 năm sông Thu Bồn sẽ chuyển dòng chảy một lần nên quá trình bồi lấp ở khu vực này từng  xảy ra. Nhưng ngôi mộ cổ này bị vùi lấp dưới ngọn đồi sâu hơn 10m thì chắc đã có tuổi phải hàng trăm năm. Tại khu vực này, trước đây trong lúc xây dựng người dân cũng đã phát hiện nhiều cổ vật thuộc triều Nguyễn.

Một số đồng tiền được tìm thấy gần ngôi mộ cổ.

Ông Tô Thất Hướng- Trưởng phòng quản lý văn hóa (thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam) cho biết, sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã giao cho UBND xã Duy Hải cảnh báo cho người dân không đến xâm hại di tích để chờ kế hoạch phát lộ. Đến tháng 12 sẽ tiến hành phát lộ toàn bộ công trình có dấu hiệu của di tích và mời các nhà chuyên môn để xác định rõ nguồn gốc của di tích. Sở cũng đã có văn bản gửi UBND H. Duy Xuyên bố trí nguồn ngân sách đồng thời chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tiến hành lập kế hoạch phát lộ. Bên cạnh đó, khu vực phát hiện công trình này nằm khu vực quản lý của BQL Khu kinh tế mở Chu Lai nên Sở sẽ làm việc với BQL để thông báo về kế hoạch phát lộ công trình vừa được phát hiện này.

Hiện có rất nhiều người hiếu kỳ tìm đến tham quan, đào bới. Vì thế để đảm bảo cho di tích không bị xâm hại, lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo vệ.

LÊ VƯƠNG